Nỗi buồn của nông dân Lâm Đồng khi bơ rớt giá

Ông Hồ Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ngãi, thừa nhận địa phương cũng có chủ trương, quy hoạch để trồng các loại cây phát triển kinh tế bền vững nhưng hầu hết người dân lại chạy theo thị trường.

Bơ 034 Lâm Đồng. (Ảnh: baolamdong.vn)

Bơ 034 Lâm Đồng. (Ảnh: baolamdong.vn)

Dù đang trong mùa thu hoạch nhưng ngay tại quê hương của bơ 034 thuộc huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), nhà vườn để bơ rụng đầy vườn, thậm chí có hộ dân còn chặt hạ bớt cây bơ để trồng cây khác. Một mùa bơ “đắng” và điệp khúc trồng rồi chặt, chặt rồi trồng lại diễn ra chưa có hồi kết.

Mùa bơ “đắng”

Những chiều mưa tháng 6 kéo dài không ngớt, tiếng quả bơ trong vườn của ông Nguyễn Văn Sử (hộ trồng bơ tiêu biểu của xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) rụng lộp bộp xen lẫn tiếng mưa. Đứng trong chòi để nông cụ, ông Sử chẳng buồn ra vườn thu hoạch dù quả bơ đến độ già theo tiêu chuẩn VietGap.

Gắn bó với quả bơ 034 từ năm 2018, vườn bơ rộng 1 ha trồng thuần không xen loại cây khác đã từng đem lại cho ông Sử khoản lợi nhuận không hề nhỏ khi còn ở thời hoàng kim. Thế nhưng, mùa bơ năm nay, đầu ra khó khăn cộng với giá bán quá rẻ, ông đành để bơ rụng làm phân bón cho cây.

“Từ đầu mùa đến nay tôi đã thu hoạch và tiêu thụ được khoảng 70% sản lượng bơ nhưng giá bán không như kỳ vọng. Hiện nay, số bơ còn lại do giá xuống quá thấp cộng với mưa gió nên tôi bỏ tại vườn không thu hoạch nữa,” ông Sử cho hay.

Theo ông Hồ Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm), trong vụ bơ năm nay toàn xã có khoảng 300 ha bơ, chủ yếu trồng xen với cây càphê, một số ít hộ trồng thuần.

Sản lượng bơ năm nay rất lớn, khoảng 500 tấn nhưng giá thương lái thu mua ở thời điểm hiện tại chỉ từ 2.500 - 3.000 đồng/kg nên bà con cũng không màng thu hoạch, để bơ rụng ngoài vườn. Thậm chí, đã có nhiều hộ dận chặt bỏ cây bơ để trồng cây khác có giá trị kinh tế cao khi đang trong mùa mưa như hiện nay.

Tương tự, tại địa bàn xã Lộc An, vụ bơ năm nay là mùa vụ thất thu nhất trong những năm qua. Ông Dương Mạnh Đô (thôn 6, xã Lộc An) có 1,5 hecta bơ đạt tiêu chuẩn VietGap trồng từ năm 2014 đến nay. Suốt 10 năm qua, chưa năm nào ông Đô thấy giá bơ 034 lại xuống thấp kỷ lục như năm 2024 này.

“Gia đình tôi có mối quen trên Đà Lạt nên vẫn đóng hàng đi mỗi ngày nhưng giá bán bình quân chỉ 8.000 đồng/kg, các hộ dân khác chỉ bán được khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có đơn vị hay doanh nghiệp nào đứng ra thu mua bơ cho bà con mà hầu hết người dân chỉ bán trôi nổi cho thương lái, thị trường nhỏ lẻ nên không đảm bảo đầu ra dù giá rất rẻ”, ông Đô cho biết.

Luẩn quẩn trồng rồi chặt

Huyện Bảo Lâm là nơi “khai sinh” ra giống bơ 034 khi một hộ dân tại địa phương phát hiện và trồng thành công. Với đặc trưng quả thon dài, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt nhỏ, bơ 034 đã từng một thời gây sốt với giá bán từ 60.000 đồng đến trên 100.000 đồng/kg.

Thế nhưng do diện tích ngày một tăng không chỉ ở Bảo Lâm mà cả các địa phương khác trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đã khiến nguồn cung vượt cầu. Hiện nay, toàn huyện Bảo Lâm có trên 2.300 ha bơ 034 với sản lượng hàng chục ngàn tấn.

Mùa vụ thu hoạch rộ chỉ kéo dài trên dưới một tháng, bơ tươi không bảo quản được lâu, trong khi công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa phát triển chính là điểm yếu khiến việc tiêu thụ sản phẩm bơ gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ngãi, thừa nhận địa phương cũng có chủ trương, quy hoạch để trồng các loại cây phát triển kinh tế bền vững nhưng hầu hết người dân lại chạy theo thị trường.

Cách đây vài năm địa phương cũng dự báo và khuyến cáo việc trồng bơ nhiều chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng thị trường tiêu thụ nhưng người dân lại bỏ ngỏ. Thực tế hiện nay cho thấy, khi cung vượt quá cầu, đầu ra không đảm bảo đã dẫn đến tình trạng có hộ dân chặt bỏ cây bơ, chạy theo cây trồng khác có giá trị cao hơn.

Trước thực trạng bơ 034 mất dần sức hút, ông Nguyễn Văn Sử (xã Lộc Ngãi) đã chặt bỏ một phần cây bơ trong khu vườn 1 hecta của gia đình.

Theo ông tính toán, cây cà phê với giá cao hơn 100.000 đồng/kg như hiện nay, ông chỉ mất 3 năm để chuyển sang trồng cà phê và sẽ thu hồi vốn nhanh chóng.

Trường hợp những năm tới, nếu giá càphê giảm xuống còn 30.000-40.000 đồng/kg thì lợi nhuận vẫn cao hơn so với 10.000 đồng/kg bơ như hiện nay.

Theo một cán bộ khuyến nông xã Lộc An, những năm trước, diện tích cây bơ 034 toàn xã đạt khoảng 200 ha.

Hiện nay, toàn xã Lộc An chỉ còn khoảng 140 ha; trong đó, diện tích trồng thuần khoảng 20 ha. Nguyên nhân diện tích sụt giảm là do bơ rớt giá, nhiều hộ dân trong vùng đã chặt bỏ để trồng cây khác khi đang trong mùa mưa, thuận lợi để trồng các loại cây mới.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 8.000 ha bơ các loại, sản lượng khoảng 80.000 tấn/năm. Trong đó diện tích bơ 034 chiếm tỷ lệ lớn nhất với 81,3% (6.557 ha), tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc.

Thống kê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ có 4 đơn vị thu mua, sơ chế và chế biến bơ quy mô lớn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, còn có 80 cơ sở thu mua bơ, công suất khoảng 13.000 tấn/năm, cung cấp phần lớn thị trường nội địa, phần nhỏ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.

Sản lượng bơ còn lại được tiêu thụ thông qua thương lái quy mô nhỏ lẻ, nhà vườn tự bán cho khách hàng truyền thống và trên các nền tảng xã hội, thu nhập không ổn định.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã xúc tiến, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ bơ 034 cả trong và ngoài nước.

Cụ thể, thời điểm đầu tháng 6/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức các đoàn khảo sát, làm việc với ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, hệ thống siêu thị MM Mega Market Vietnam…

Qua đó nhằm tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm bơ nói riêng và các nông sản khác của tỉnh Lâm Đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/noi-buon-cua-nong-dan-lam-dong-khi-bo-rot-gia-post961738.vnp
Zalo