Nổi bật tuần qua: Tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Quốc hội cho ý kiến về công tác nhân sự

Tuần từ ngày 3 - 9/2/2025, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; Thủ tướng chủ trì Phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9; Giá vàng tăng cao trước ngày vía thần Tài; Gia tăng các ca mắc cúm diễn biến nặng.

Đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành kính tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành kính tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), ngày 3/2, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong ngày 3/2, Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt thân mật đầu Xuân và phát biểu giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên Văn phòng Chủ tịch nước. Ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, chúc mừng năm mới, giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng trong năm 2025… Nhân dịp này, các địa phương trong cả nước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, mừng Đảng mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Rạng rỡ Việt Nam”, nhấn mạnh trong suốt 95 năm qua, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, làm nên những thắng lợi, thành tựu vĩ đại, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Để tiếp tục gánh vác trọng trách đó của lịch sử, Đảng phải không ngừng lớn mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu và sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Đồng thời, Đảng phải không ngừng hoàn thiện lý luận, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, tạo nền tảng vững chắc để lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác xây dựng Đảng càng cần được quan tâm, đổi mới và tập trung: Kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 10 để tổng kết hoạt động năm 2024 của Ủy ban và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06); triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời, triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức giám sát và nâng cao chất lượng quản lý công dân, tiết kiệm thời gian công sức, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chuyển đổi số tích cực, nhưng vẫn còn chậm tiến độ, nếu tốc độ chậm sẽ khó hoàn thành các mục tiêu đề ra, đặc biệt là các bộ, ngành thiết lập thông tin để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện nay, Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được xây dựng ở Hòa Lạc (Hà Nội). Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải kết nối được cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, ngân hàng, tài chính… đảm bảo mang lại hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Quang cảnh khai mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quang cảnh khai mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9

Trong tuần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 42 từ ngày 5 – 7/2/2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và 2 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi), Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9; tiếp tục cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 2 dự án luật: Luật Nhà giáo và Luật Hóa chất (sửa đổi); cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; xem xét thông qua Nghị quyết triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến họp thêm chiều ngày 10/2 để cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các nội dung cấp bách khác để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9; một số chính sách đặc thù để triển khai nhanh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…

Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến sâu sắc đối với những vấn đề còn băn khoăn trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Người dân đến mua vàng ngày vía Thần Tài tại Công ty Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Người dân đến mua vàng ngày vía Thần Tài tại Công ty Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Giá vàng tăng cao trước ngày vía thần Tài

Trước ngày vía thần Tài, trong tuần qua, giá vàng trên thị trường trong nước tăng mạnh, giá vàng miếng tăng mạnh nhất từ 900.000 – 1 triệu đồng/lượng so với trước Tết Nguyên đán.

Mở cửa phiên giao dịch ngày vía thần Tài 7/2 (mùng 10 Âm lịch), tại các cửa hàng vàng Doji, Báo Tín Minh Châu, SJC… tại Hà Nội đã có đông người dân xếp hàng chờ mua vàng cầu may. Công ty vàng bạc đá quý SJC công bố giá bán vàng miếng ở mức 86,8 - 90,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá vàng miếng ở mức 86,5 - 90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng mua vào, tăng 700.000 đồng/lượng bán ra…

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh. Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu và SJC, giá vàng nhẫn ở mức 86,5 - 89,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng mua vào, tăng 650.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên hôm trước… Mặc dù vậy, nhưng số lượng người dân đến các cửa hàng bán vàng vẫn gia tăng, với hy vọng may mắn, hanh thông trong năm mới 2025.

Theo chuyên gia tài chính, nếu người dân có nhu cầu mua vàng để cầu may trong năm mới chỉ nên mua số lượng ít, không nên mua vàng để đầu tư vào thời điểm này vì dễ gặp rủi ro. Bởi thông thường sau ngày vía thần Tài, giá vàng sẽ giảm mạnh, nhà đầu tư vàng có thể chờ thời điểm giá vàng hạ xuống để mua vào, phòng tránh rủi ro thua lỗ trong ngắn hạn.

Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân cúm A nặng, có bệnh lý nền. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân cúm A nặng, có bệnh lý nền. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Gia tăng các ca mắc cúm diễn biến nặng

Trong tuần qua, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, số ca mắc cúm có dấu hiệu gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024, trong thời gian dịp Tết Nguyên đán và đầu năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm, chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Trước những diễn biến phức tạp của các bệnh cúm mùa, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Theo số liệu của Bộ Y tế, hệ thống giám sát dịch bệnh tại Việt Nam đã ghi nhận đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản, với khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa; trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23 - 29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm, trong đó có một trường hợp phải đặt ECMO... ThS.BS Võ Đức Linh, Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, virus cúm A tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng, bệnh ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trong tuần, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và các cơ sở y tế, yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm mùa. Thành phố chưa phát hiện trường hợp bất thường. Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản hướng dẫn bảo vệ sức khỏe bệnh nhân trong mùa lạnh…

Bộ Y tế khuyến cáo, hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa Đông Xuân, khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển; đồng thời, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao trong mùa lễ hội đầu năm, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Để chủ động phòng, chống cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc tiêm chủng vaccine phòng dịch cho các nhóm đối tượng, để kịp thời kiểm soát và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-tong-ket-hoat-dong-cua-uy-ban-quoc-gia-ve-chuyen-doi-so-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-cong-tac-nhan-su-20250209131943514.htm
Zalo