Nổi bật tuần qua: Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Tuần từ ngày 19 đến 25/5/2025, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Nhiều hoạt động kỷ niệm lần thứ 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề 'nóng'; Kết thúc vòng đàm phán lần thứ 2, Hiệp định song phương về thương mại đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ; Nhiều tỉnh thiệt hại lớn do sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt...

Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: TTXVN

Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: TTXVN

Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Mặc dù đã được các giáo sư, y, bác sĩ và gia đình hết lòng chăm sóc, tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi cao sức yếu, ngày 20/5, đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từ trần sau thời gian lâm bệnh.

Nghi thức Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương được tổ chức trong hai ngày 24 - 25/5. Nghi lễ treo cờ rủ được thực hiện tại Quảng trường Ba Đình và các địa phương trong cả nước từ sáng 24/5. Tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương theo nghi thức Quốc tang.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến đồng chí. Các đoàn đại biểu cấp cao từ các nước đã đến viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; tại các nước cũng tổ chức lễ viếng và mở sổ tang.

Đoàn xe chuyển linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi qua Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: TTXVN

Đoàn xe chuyển linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi qua Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: TTXVN

Trong 2 ngày quốc tang, đã có 830 đoàn đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào, với khoảng 10.500 người đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Nhà Tang lễ Quốc gia, Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và Hội trường T50, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, quê hương của đồng chí Trần Đức Lương.

Đồng chí Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc; nhà lãnh đạo có uy tín lớn, một tấm gương sáng về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có lối sống mẫu mực, được đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế quý trọng, yêu mến. Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Đức Lương, Đảng, Nhà nước ta đã tặng thưởng Đồng chí Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, cùng nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng, danh hiệu cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế.

Nhiều hoạt động kỷ niệm lần thứ 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ tại phòng làm việc nhà 54, tháng 4/1957. Ảnh: Tư liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp

Bác Hồ tại phòng làm việc nhà 54, tháng 4/1957. Ảnh: Tư liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp

Trong tuần, ngày 19/5, Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, từ nông thôn đến thành thị của, những nơi có Khu di tích, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các hoạt động đều khẳng định công lao, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ đã dành trọn đời cho tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân". Bài viết không chỉ là sự tưởng nhớ sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời đại mới.

Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề “nóng”

Trong tuần, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng; trong đó có nhiều nội dung “nóng” đang được cử tri và người dân quan tâm.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được Quốc hội đưa ra thảo luận. Các Đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách miễn, hỗ trợ học phí nhân văn, mang tính đột phá, là bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục công bằng.

Theo các Đại biểu Quốc hội, tác động của việc miễn học phí là sẽ giảm gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình, giúp người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giảm áp lực tài chính, nhất là sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh giá cả leo thang, từ đó xóa bỏ rào cản tài chính, đảm bảo sự công bằng giữa trường công và trường tư, đô thị và nông thôn, chính quy và không chính quy. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Việc đề xuất miễn, hỗ trợ học phí cho cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được hầu hết các cơ quan Trung ương, địa phương thống nhất. Dự thảo nghị quyết chỉ mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, không làm phát sinh các thủ tục hành chính hiện hành.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031. Cụ thể, thống nhất ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 sẽ vào Chủ nhật ngày 15/3/2026. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử. Kỳ họp thứ nhất của HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày bầu cử.

Tại các buổi làm việc trong tuần, Quốc hội cũng đã thảo luận các nội dung quan trong về kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025; thảo luận Dự án Luật và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công…

Kết thúc vòng đàm phán lần thứ 2, Hiệp định song phương về thương mại đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ

Tuần qua, từ ngày 19 đến 22/5, Đoàn đàm phán của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã hoàn thành vòng đàm phán lần thứ 2 hiệp định song phương về thương mại đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ.

Vòng đàm phán lần thứ 2, Hiệp định song phương về thương mại đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: Bộ Công thương.

Vòng đàm phán lần thứ 2, Hiệp định song phương về thương mại đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: Bộ Công thương.

Trong 3 ngày đàm phán, với quyết tâm và nỗ lực cao độ, đoàn đàm phán Việt Nam và Hoa Kỳ đã trao đổi về toàn bộ các nội dung được nêu ra từ trước phiên đàm phán trên tinh thần thiện chí, thẳng thắn, tôn trọng thể chế, hài hòa và cân bằng lợi ích cũng như phù hợp với cam kết quốc tế và trình độ phát triển của mỗi nước.

Hai bên dành thời gian cung cấp thông tin cho nhau về các chính sách hiện hành của mỗi bên, làm rõ các nội dung trong lời văn dự thảo Hiệp định, thảo luận về cách tiếp cận tổng thể nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản mà hai bên cùng quan tâm để đẩy nhanh quá trình đàm phán.

Kết thúc vòng đàm phán, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ tích cực, xác định các nhóm vấn đề đạt được đồng thuận hoặc quan điểm đã gần nhau, các nhóm vấn đề cần tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất trong thời gian tới. Hai bên cũng đặt ra các khung thời gian để phản hồi về dự thảo Hiệp định, đề xuất lời văn cũng như tổ chức các cuộc họp trực tuyến nhằm chuẩn bị cho phiên đàm phán tiếp theo.

Nhiều tỉnh thiệt hại lớn do sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt

Mưa lớn kéo dài gây sụt lún Quốc lộ 4D đoạn qua huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: TTXVN

Mưa lớn kéo dài gây sụt lún Quốc lộ 4D đoạn qua huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: TTXVN

Trong tuần qua, tình hình mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở xảy ra phức tạp ở nhiều địa phương. Nhất là tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đã ghi nhận nhiều người thiệt mạng, hư hại nhà cửa, hoa màu.

Tại tỉnh Bắc Kạn đã có 4 người chết, 250 căn nhà bị hư hại do mưa lũ, sạt lở; tỉnh phải công bố tình huống khẩn cấp thiên tai tại huyện Ba Bể. Tỉnh Yên Bái và tỉnh Tuyên Quang bị úng ngập nhiều nơi, hàng chục căn nhà bị hư hại, sạt lở tại nhiều tuyến đường, hư hại nhiều diện tích cây trồng… Riêng tại Cao Bằng có hơn 300 điểm được cảnh báo nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét; tỉnh phải di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi các vùng nguy cơ…

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động kiểm tra, rà soát, điều chỉnh các phương án, kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; huy động lực lượng, phương tiện ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã ra cảnh báo về tình trạng lũ quét, sạt lở đất ở 18 tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ khi lượng mưa phổ biến từ 20 – 40 mm, có nơi trên 70 mm; nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các địa phương vẫn đang hiện hữu.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-le-quoc-tang-nguyen-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-20250525163903922.htm
Zalo