Nổi bật tuần qua: Kiểm tra việc đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội), sai sót điểm thi vào 10 tại Thái Bình

Tuần từ ngày 19/8 đến 25/8 diễn ra một số sự kiện nổi bật: Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Kiểm tra việc đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội); Thái Bình thông tin vụ sai sót điểm thi; Phòng chống dịch sởi bùng phát tại các địa phương.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực trường đảng, kết nối liên thông, công nghiệp, tài chính, kiểm nghiệm kiểm dịch hải quan, y tế, báo chí truyền thông, địa phương và dân sinh.

Hai bên đã ra “Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”.

Trong Tuyên bố chung, Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam và luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Đây là lựa chọn chiến lược của hai bên.

Hai bên nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc nhận thức chung và những kết quả đạt được trong các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, nhất là hai chuyến thăm mang tầm vóc lịch sử trong năm 2022 và năm 2023 của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, cùng với “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” và “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” được lần lượt công bố trong hai chuyến thăm trên...

Phía Việt Nam khẳng định kiên định thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, công nhận trên thế giới chỉ có một Trung Quốc, còn Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc.

Hai bên khẳng định hợp tác quốc phòng - an ninh là một trong những trụ cột của quan hệ Việt - Trung; nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh; thông qua các kênh như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, Đối thoại quốc phòng an ninh, tăng cường giao lưu các cấp giữa quân đội hai nước; làm sâu sắc giao lưu biên phòng, hải quân, cảnh sát biển; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như công tác chính trị, công nghiệp quốc phòng, tàu hải quân thăm lẫn nhau, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...

Hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; đẩy nhanh thúc đẩy “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh.

Hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, trọng điểm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, năng lượng sạch, kinh tế số, phát triển xanh; sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước kia...

Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáng chú ý từ ngày 21/8 đến sáng 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về giám sát chuyên đề gồm 2 nhóm vấn đề. Nhóm lĩnh vực thứ nhất: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch. Nhóm lĩnh vực thứ hai: Tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án và kiểm sát.

Phát biểu bế mạc chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 1,5 ngày làm việc, đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận.

Mục đích của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lần này là đánh giá toàn diện việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chính sách, pháp luật, xử lý những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các báo cáo đã gửi đại biểu Quốc hội và qua phiên chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ việc triển khai các nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải sớm được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới. Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.

Kiểm tra việc đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội)

Tiếp tục sức "nóng" từ kết quả phiên đấu đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Thanh Oai tổ chức ngày 10/8 với giá trúng tăng gấp 5-8 lần so với giá khởi điểm, phiên đấu giá 19 lô đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) kéo dài từ 8h sáng ngày 19/8 đến hơn 4 giờ sáng ngày 20/8 mới kết thúc.

Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức Hà Nội có 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ, lập kỷ lục về thời gian đấu giá 19 lô đất. Ảnh: TTXVN phát

Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức Hà Nội có 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ, lập kỷ lục về thời gian đấu giá 19 lô đất. Ảnh: TTXVN phát

Với mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, sau hàng chục vòng đấu giá, phiên đấu giá đã xác định được giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2, tăng 12,5 lần giá khởi điểm. Dự kiến, tổng số tiền huyện thu được từ phiên đấu giá lần này đạt gần 190 tỷ đồng, chênh hơn 11 lần so giá khởi điểm.

Trước tình trạng giá trúng phi thực tế tại các huyện Hoài Đức và Thanh Oai vừa qua, ngày 21/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với cơ quan Công an để xác minh, làm rõ việc một số nhóm đối tượng tham gia đấu giá đất với mục đích "đẩy giá" đất nền.

Trước nghi ngại có tình trạng “thổi giá”, đầu cơ gây nhiễu loạn thị trường, ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo này, ngày 22/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Công văn số 2781/UBND-TNMT yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Thủ đô. Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, thanh tra, công an và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện theo đúng chi đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/CÐ-TTg.

Thái Bình thông tin chính thức vụ sai sót điểm thi vào 10

Ngày 20/8, UBND tỉnh Thái Bình thông tin về kết quả Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025.

Ông Phạm Công Dịch, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, Đoàn Thanh tra đã thực hiện khớp phách bằng tay 100% bài thi tự luận. Trong đó xác định, có 2.997 bài thi bị lệch phách, làm sai điểm của 2.750 thí sinh; 49 bài thi sai sót trong quá trình ghi điểm và nhập điểm, trong đó có 19 bài thi bị sai điểm so với bảng điểm đã công bố.

Tổng số bài thi tự luận bị sai điểm là 2.769 bài thi, trong đó có 1.368 bài thi có điểm cao hơn điểm đã công bố, 1.401 bài thi có điểm thấp hơn điểm đã công bố. Tổng số thí sinh bị sai tổng điểm xét tuyển là 1.589 thí sinh. Trong đó có 781 thí sinh có tổng điểm xét tuyển cao hơn, 808 thí sinh có tổng điểm xét tuyển thấp hơn tổng điểm xét tuyển đã công bố.

Điểm chuẩn mới xét tuyển đợt 1 có sự thay đổi tại 4/12 lớp chuyên, 11/29 Hội đồng tuyển sinh các Trường Trung học phổ thông đại trà. Theo điểm chuẩn mới xét tuyển đợt 1 tại Hội đồng thi Trung học phổ thông chuyên, có 15 thí sinh từ không trúng tuyển chuyển thành trúng tuyển, 15 thí sinh từ trúng tuyển chuyển thành không trúng tuyển. Theo điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 tại các Hội đồng tuyển sinh các Trường Trung học phổ thông đại trà, có 237 thí sinh từ không trúng tuyển chuyển thành trúng tuyển, 243 thí sinh từ trúng tuyển chuyển thành không trúng tuyển.

Về nguyên nhân vi phạm, Đoàn Thanh tra xác định, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi và Ban Thư ký đã không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện việc “Hồi phách bài thi tự luận”. Khi phát hiện sai sót, Ban Thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin và chuyển cho Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi. Việc Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi không xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sai sót qua kiểm tra việc khớp phách của Ban Thư ký là không đúng quy định.

Trách nhiệm để xảy ra sai sót tại khâu “Hồi phách bài thi tự luận” thuộc về công chức, viên chức của Ban Thư ký trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ông Nguyễn Viết Hiểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm thừa nhận thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức Kỳ thi và nhận lỗi trước phụ huynh, học sinh. Xảy ra những sai sót trong tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 là bài học sâu sắc với ngành giáo dục và tỉnh Thái Bình. Thanh tra tỉnh cần tiếp tục làm rõ các sai sót trong khâu tổ chức Kỳ thi, thực hiện công tâm, khách quan, đúng quy định của pháp luật để kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Phòng chống dịch sởi bùng phát tại các địa phương

Chiều 22/8, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc bệnh sởi tại TP Hồ Chí Minh trong tuần qua vẫn đang gia tăng.

Theo thống kê, từ ngày 12-18/8, tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 100 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước đó.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế quyết liệt hơn nữa trong triển khai 2 nhóm hoạt động trọng tâm.

Theo thống kế, 7 tháng năm 2024, Việt Nam ghi nhận 1.695 ca phát ban nghi sởi, 676 ca dương tính sởi. Trong đó, TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên ghi nhận hơn 500 ca mắc và 3 ca tử vong.

Các ca tử vong này đều mắc sởi trên bệnh nền sẵn có. Vì vậy, ngày 22/8/2024, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi tại 135 quận, huyện của 18 tỉnh, thành là những vùng nguy cơ đã được đánh giá. Chiến dịch được triển khai lần này sẽ khác với các chiến dịch trước đây, đó là các đối tượng tiêm được mở rộng từ 1-10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine chứa thành phần sởi trước đó.

XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-kiem-tra-viec-dau-gia-dat-tai-hoai-duc-ha-noi-sai-sot-diem-thi-vao-10-tai-thai-binh-20240825093411341.htm
Zalo