Nổi bật tuần qua: Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số; Nghị định 168/CP nâng cao ý thức tham gia giao thông
Tuần từ ngày 13 - 19/1/2025, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm Việt Nam; Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân thăm Ba Lan, Séc và tham dự Hội nghị WEF tại Thụy Sĩ; Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI; Nghị định 168/CP nâng cao ý thức người tham gia giao thông; Phiên tòa xét xử vụ án Sài Gòn Đại Ninh, vụ án tại Nhà xuất bản Giáo dục.
Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm Việt Nam
Trong tuần qua, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin đã thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 – 15/1/2025, trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 30/1/1950). Tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga đã đến chào Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Nga Mikhail Vladimirovich Mishust đã chủ trì cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu hai nước; hai bên đã trao đổi sâu rộng về nhiều nội dung và phương hướng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nga trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, du lịch… Hai bên ủng hộ tăng cường trao đổi theo các kênh đảng, quốc hội, giữa các bộ, ngành và thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương.
Hai Thủ tướng ghi nhận quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga không ngừng phát triển trên cơ sở cùng có lợi nhờ việc trao đổi, tiếp xúc chính trị, đặc biệt là ở cấp cao nhất, tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; trao đổi và nhất trí về các biện pháp tăng cường hợp tác thương mại song phương, trong đó có việc tận dụng hơn nữa các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu và các quốc gia thành viên.
Hai bên cũng thống nhất cần phát triển hệ thống giao thương đường sắt và đường biển, vận tải hàng hóa đa phương thức; thúc đẩy các phương thức thanh toán phục vụ các hoạt động thương mại và giao dịch song phương, nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: Kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật, giáo dục và đào tạo, y tế; đồng thời, thống nhất việc nối lại các chuyến bay thẳng thường xuyên và thuê chuyến, góp phần làm tăng lưu lượng khách du lịch giữa quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân thăm Ba Lan, Séc và tham dự Hội nghị WEF tại Thụy Sĩ
Trong tuần, ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 15 - 23/1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam và Ba Lan, Séc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025). Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ba Lan sau 15 năm, đến Séc sau 6 năm, nhằm tạo đột phá nâng tầm quan hệ với hai nước, qua đó đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với khu vực Trung Đông Âu. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Thủ tướng Phạm Minh chính tham dự WEF Davos và là lần thứ 4 dự các Hội nghị WEF trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Chuyến công tác tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đảng được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư; triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị, góp phần phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc; đồng thời, chuyển tải thông điệp về quyết tâm, khát vọng của Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chuyến thăm cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy tin cậy chính trị, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Ba Lan, Séc, Thụy Sỹ tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới trên nhiều lĩnh vực.
Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI
Tuần qua tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam".
Tại Diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn ý nghĩa này ngay sau Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Q57 của Bộ Chính trị về Đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và nhấn mạnh lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số Quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 7 nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn tới gồm: Nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, làm căn cứ xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số; khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao; xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững; phát triển kinh tế số và xã hội số; nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới, đến năm 2030 đưa Việt Nam vào Top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số và tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế; thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế.
Đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần có sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ; mỗi doanh nghiệp cần dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới và không ngừng đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, các doanh nghiệp số cần tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Nghị định 168/CP nâng cao ý thức người tham gia giao thông
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực trên toàn quốc. Việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bọ Công an) cho biết, sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168, tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giao thông đi vào nền nếp. Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý trên 174.600 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tước giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn gần 17.600 trường hợp; tạm giữ 955 ôtô, hơn 49.700 mô tô; gần 12.700 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm.
Cục Cảnh sát giao thông thông tin, Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi vi phạm bị tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đều xác định “mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước, mà quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông”.
Phiên tòa xét xử vụ án Sài Gòn Đại Ninh, vụ án tại Nhà xuất bản Giáo dục
Trong tuần, ngày 16/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh về các tội: “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự. Các bị cáo: Mai Tiến Dũng (sinh năm 1959, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Hồng Giang (sinh năm 1963, cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ), Trần Bích Ngọc (sinh năm 1968, cựu Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo Vụ I, Văn phòng Chính phủ) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.
Ngày 14/1, phiên tòa xét xử 8 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục tiếp tục phần xét hỏi. Trả lời thẩm vấn tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm.
Ngày 15/1, Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo: Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đức Thái bị đề nghị từ 12 - 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; 5 bị cáo khác đều là cựu lãnh đạo, nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục bị đề nghị từ 20 - 36 tháng tù…
Bản luận tội nêu rõ, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm hoạt động đúng đắn của Nhà xuất bản Giáo dục (có 100% vốn Nhà nước), xâm phạm hoạt động quản lý của Nhà nước về đấu thầu, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.