Nổi bật tuần qua: Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV; Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Sơn La khiến 10 người thương vong
Trong tuần, từ ngày 17-23/2, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV; Thủ tướng chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Chuẩn bị phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2025; Thần tốc triển khai đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên; Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Sơn La khiến 10 người thương vong.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
Trong tuần, Quốc hội khóa XV đã bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, Kỳ họp đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, dân chủ thảo luận, thể chế hóa đầy đủ pháp luật; cùng với tinh thần cầu thị lắng nghe, nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Cùng với đó là thông qua Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 Nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước. Đồng thời, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng đã bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Quốc hội cũng đã bầu 1 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 6 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 4 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, miễn nhiệm một số Bộ trưởng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nhận nhiệm vụ khác.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trong tuần, ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng có ý nghĩa quan trọng, quyết định quy mô nền kinh tế, GDP bình quân đầu người và các mục tiêu khác. Do đó, phải thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao và bền vững, liên tục. Chính phủ đã đề xuất mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt ít nhất 8%, chuẩn bị cho những năm tới tăng trưởng 2 con số. Trên cơ sở đó, Trung ương đã có kết luận, Chính phủ ban hành các Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng và giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành, địa phương; Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh, nhưng phải bền vững. Bên cạnh duy trì tăng trưởng cao, liên tục, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đảm bảo an sinh xã hội, môi trường bền vững, xanh, sạch, đẹp.
Trong đó, đề xuất các giải pháp làm mới động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; thúc đẩy động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn; khai thác không gian biển, không gian vũ trụ, không gian ngầm… Đặc biệt đầu tư công tiếp tục là một động lực rất quan trọng cho tăng trưởng, là “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân, dẫn dắt vốn đầu tư toàn xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh tình hình thời gian tới, xác định rõ những khó khăn, thách thức, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, tác động mạnh mẽ, hiệu quả trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; kiến nghị cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Chuẩn bị phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2025
Trong tuần, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu.

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Ảnh: TTXVN
Theo đó, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện (đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính) theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì vậy, để cập nhật địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu và chuẩn bị phương án đề xuất Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động.
Theo đó, các địa phương rà soát, cập nhật lại tên các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu, nhất là các đơn vị hành chính cấp huyện đã thực hiện sắp xếp lại, như đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 1/7/2024 đến nay. Đồng thời, đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh phân vùng hiện hành.
Thần tốc triển khai đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên
Trong tuần, Bộ Công Thương đã có cuộc họp lần thứ 4 về tiến độ thực hiện dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khởi công trong tháng 2/2025, hoàn thành dự án trong 6 tháng kể từ khi khởi công (chậm nhất đến tháng 9 năm 2025 phải hoàn thành). Vì vậy, quá trình triển khai phải "thần tốc" như 500 kV mạch 3. Để đảm bảo tiến độ trước ngày 30/8/2025 hoàn thành, đòi hỏi chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần làm rốt ráo, chi tiết hơn.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện EVN đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể của Dự án. Đến nay, đã hoàn thành lập, thẩm tra, phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu tất cả các gói thầu PC (cung cấp cột thép và xây lắp), cung cấp vật tư thiết bị…
Hiện còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án, nguy cơ không đáp ứng được tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án vào cuối tháng 2/2025; về hành lang tuyến đang gặp vướng mắc tại một số khoảng cột, việc lập phương án tái định cư cho các hộ có đất ở, nhà ở trong hành lang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm vị trí để tái định cư xen ghép hoặc tập trung; hiện còn 5/12 huyện chưa thỏa thuận vị trí bãi đổ thải…
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị EVN tổng hợp các đề xuất, kiến nghị và đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, rà soát vướng mắc, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội để có được chủ trương và cơ chế để thực hiện; kịp thời phản ánh, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ dự án.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Sơn La khiến 10 người thương vong
Trong tuần, tại Sơn La đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vào khoảng hơn 23 giờ ngày 21/2, tại km 235 + 100, Quốc lộ 6, thuộc địa phận xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại Sơn La. Ảnh: TTXVN
Xe ô tô khách mang BKS 26F - 009.08 di chuyển theo hướng từ Sơn La đi Hà Nội va chạm với xe đầu kéo mang BKS 36C - 095.93 di chuyển ngược chiều, khiến 6 người tử vong tại chỗ và 4 người khác bị thương.
Nguyên nhân sơ bộ được xác định do xe khách đi đến đoạn đường vòng cua, mặt đường trơn trượt do trời mưa, lái xe không làm chủ tốc độ dẫn đến phần đuôi xe khách văng vào đầu tổ hợp xe đầu kéo đi ngược chiều. Không có kết quả dương tính với cồn, ma túy đối với lái xe khách.
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.