Nỗi ám ảnh mang tên Year End Party
Những buổi tiệc tất niên, hya Year End Party (YEP) vốn được kỳ vọng là dịp gắn kết và tri ân, lại trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người trẻ.
“Không uống là không nể anh em”
Tiệc tất niên, hay Year-End Party (YEP) từ lâu đã trở thành sự kiện không thể thiếu tại nhiều công ty. Đây là dịp để lãnh đạo tri ân nhân viên cũng như tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong tổ chức, công ty. Tuy nhiên, đối với Nguyễn Quốc Bảo, đây là "cơn ác mộng":
Chàng trai 26 tuổi, làm việc tại một công ty công nghệ trụ sở ở TP.HCM chia sẻ, rằng anh luôn cảm thấy căng thẳng khi bước vào mùa tiệc tất niên, không phải vì công việc dồn dập cuối năm, mà vì “văn hóa rượu bia”. Là người có tiền sử bệnh gan, Bảo phải hạn chế đồ uống có cồn. Nhưng trong các bữa tiệc YEP, việc từ chối đó không hề dễ dàng.
“Ngay khi mình nói không uống được, anh em đồng nghiệp cười lớn và nói: ‘Đàn ông gì mà kỳ vậy?’ hay ‘Không uống là không nể anh đâu nhé!’. Thậm chí, có người còn đẩy ly rượu tận tay mình và bảo: ‘Chỉ một ly thôi, không uống là không được!’,” Bảo kể lại.
Một lần, vì không muốn làm mất hòa khí, Bảo miễn cưỡng uống theo lời mời. Kết quả, anh bị đau bụng dữ dội và phải nhập viện ngay trong đêm. “Sau lần đó, mình thực sự ám ảnh với các buổi tiệc tất niên. Mình luôn phải tìm cách trốn hoặc viện lý do để không tham gia,” anh chàng thừa nhận.
Tốn tiền triệu cho dress code
Không chỉ chuyện rượu bia, “dress code” (quy tắc trang phục) trong tiệc tất niên cũng là một chủ đề gây tranh cãi. Với Phan Khánh Chi (25 tuổi, Hà Nội), việc chọn đồ phù hợp mỗi dịp tất niên luôn là bài toán nan giải, nhất là khi công ty luôn yêu cầu nhân viên mặc đúng chủ đề cho mỗi dịp YEP.
“Năm ngoái, dress code của công ty là phong cách retro. Mình phải mất cả tuần tìm đồ và chi hơn 3 triệu đồng cho váy, phụ kiện, trang điểm. Trong khi đó, mức thưởng cuối năm lại không đáng kể, khiến mình cảm thấy rất khó chịu,” Chi kể.
Cô nàng nhấn mạnh rằng, những quy định về trang phục không phù hợp với hoàn cảnh của nhiều nhân viên, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình hoặc đang phải lo nhiều khoản chi tiêu cuối năm:
“Một buổi tiệc chỉ cần gọn gàng, lịch sự là đủ. Tại sao lại phải đẩy mọi người vào cảnh tốn kém chỉ để khoe hình ảnh công ty sang chảnh?” Chi đặt câu hỏi.
Nỗi ám ảnh mang tên "văn nghệ cuối năm"
Lê Minh Hùng (26 tuổi, TP.HCM) không giấu nổi sự ám ảnh khi nhắc đến những buổi tập văn nghệ chuẩn bị cho tiệc tất niên của công ty. Dù là một nhân viên kỹ thuật, tính cách vốn ít nói và không mấy khi tham gia các hoạt động tập thể, nhưng mỗi dịp cuối năm, Hùng luôn bị đưa vào danh sách tập văn nghệ, với lý do “đội văn nghệ thiếu người, nam giới lại càng thiếu”.
“Đúng là hoạt động văn nghệ thì vui, nhưng vui với ai có đam mê thôi. Còn mình là dân kỹ thuật, múa hát chẳng phải sở trường, nên mỗi lần phải lên sân khấu mình vừa ngại vừa thấy mất thời gian,” anh chàng chia sẻ.
Công việc của Hùng vốn đã bận rộn, thời gian cuối năm lại càng căng thẳng khi phải hoàn thành những dự án lớn để kịp tiến độ. “Ban ngày bù đầu với công việc, tối đến lại phải ở lại công ty tập múa hát. Có hôm tập đến 9-10 giờ tối mới được về nhà. Cơm nước qua loa, về đến nơi thì vợ con đã ngủ, nhiều khi thấy tội cho gia đình,” Hùng nói với giọng đầy trăn trở.
Hùng cho rằng việc tổ chức các tiết mục văn nghệ cho tiệc tất niên là ý tưởng không tệ, nhưng cần tính đến sự phù hợp và tự nguyện. “Mình nghĩ, công ty nên khuyến khích chứ không nên ép buộc. Ai có năng khiếu, đam mê thì tham gia, còn những người không sẵn sàng có thể hỗ trợ theo cách khác, ví dụ chuẩn bị hậu cần hay tổ chức chương trình,” anh đề xuất.
Chuyên gia nhân sự: “Cần thay đổi tư duy tổ chức tiệc tất niên để mang lại giá trị thực sự”
Theo ThS. Nguyễn Mai Lan, Chuyên viên về Nhân sự tại Công ty Cổ phần One Mount Group, tiệc tất niên (Year-End Party - YEP) là một dịp quan trọng để doanh nghiệp tri ân nhân viên, đồng thời tạo cơ hội gắn kết tập thể. Tuy nhiên, cách tổ chức hiện tại của nhiều công ty lại đang đi chệch hướng khỏi mục đích ban đầu, dẫn đến những áp lực không đáng có cho người tham dự.
“Tiệc tất niên không chỉ là một buổi liên hoan cuối năm mà còn là cơ hội để ban lãnh đạo gửi lời cảm ơn và thể hiện sự quan tâm đối với nhân viên. Tuy nhiên, khi các hoạt động này bị gò bó bởi những yêu cầu không cần thiết sẽ khiến giá trị thực sự của sự kiện bị suy giảm đáng kể,” chị Lan chia sẻ.
Theo chị, văn hóa rượu bia trong các buổi tiệc tất niên là một vấn đề tồn tại lâu đời nhưng không còn phù hợp với môi trường làm việc hiện đại. “Ép rượu không chỉ khiến người bị ép cảm thấy khó chịu mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông sau tiệc,” chị nhận định.
Về dress code, chị Lan nhấn mạnh rằng đây là một yếu tố làm tăng sự thú vị cho buổi tiệc, nhưng chỉ nên áp dụng ở mức độ đơn giản và dễ thực hiện. “Doanh nghiệp cần hiểu rằng không phải nhân viên nào cũng có đủ thời gian, tài chính để đáp ứng những yêu cầu phức tạp về trang phục. Nếu dress code gây thêm áp lực, ý nghĩa tích cực của buổi tiệc sẽ bị mất đi,” chị phân tích.
Thay vào đó, chị gợi ý rằng, các công ty có thể đưa ra những lựa chọn dress code đơn giản, chẳng hạn như mặc áo đồng phục công ty hoặc phối một màu sắc chung để tạo sự đồng nhất mà không khiến nhân viên phải tốn quá nhiều chi phí.
Một vấn đề khác mà chị cho rằng cần được cải thiện là việc tổ chức các tiết mục văn nghệ trong tiệc tất niên. “Các hoạt động này chỉ mang lại giá trị thực sự khi người tham gia cảm thấy hứng thú và tự nguyện. Nếu biến nó thành một nghĩa vụ, buổi tiệc tất niên sẽ mất đi sự vui vẻ, thay vào đó là sự mệt mỏi và căng thẳng,” chị chia sẻ.
Chị Lan khuyến nghị rằng, thay vì ép buộc, doanh nghiệp nên khuyến khích nhân viên đóng góp ý tưởng cho các hoạt động văn nghệ hoặc tổ chức các trò chơi tập thể mang tính gắn kết. Điều này không chỉ giúp mọi người thoải mái hơn mà còn tăng cường sự đoàn kết trong đội ngũ nhân sự.
Theo chị, để tiệc tất niên thực sự trở thành một sự kiện ý nghĩa, doanh nghiệp cần đặt trọng tâm vào việc tri ân và tạo không gian cho nhân viên. “Khi nhân viên cảm nhận được sự quan tâm chân thành từ lãnh đạo, họ sẽ cảm thấy gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp, công ty".