Nỗ lực xóa nhà tạm, thắp sáng niềm tin cho người yếu thế
Tỉnh Thái Bình đang nỗ lực về đích trong hành trình đầy ý nghĩa - xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ người có công vào tháng 6/2025. Những ngôi nhà mới, khang trang không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn thắp lên niềm tin, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho những người yếu thế trong cộng đồng.

Ngôi nhà của gia đình bà Trần Thị Nhị, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Từ mái nhà dột nát đến tổ ấm khang trang
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, tỉnh Thái Bình sẽ hoàn thành Đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2024 - 2025 và Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở năm 2025. Để đạt mục tiêu đề ra, ở tất cả các địa phương, các cấp chính quyền, cộng đồng nhân dân hết sức khẩn trương, trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Những ngày này, bà Trần Thị Nhị (95 tuổi, thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) - mẹ Anh hùng liệt sỹ Hoàng Đình Vui đang háo hức chờ đợi ngôi nhà mới sẽ hoàn thành vào tháng 6 tới đây. Đây là niềm vui lớn trong cuộc đời bà và cũng là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với thân nhân gia đình người có công với Tổ quốc.
Gia đình bà có 8 người con, trong đó có liệt sỹ Hoàng Đình Vui hy sinh tại mặt trận Tây Ninh. Tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh khó khăn nên nhiều năm nay, bà ở trong căn nhà chật hẹp cùng các con cháu. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng, đầu tháng 4 năm nay, bà cùng các con cháu đã xây được căn nhà mới, rộng rãi, kiên cố.
Cùng chung niềm vui ấy, gia đình ông Trần Quang Nho (73 tuổi, thôn Nhật Tảo) là một hộ cận nghèo của địa phương được nhận hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ông tâm sự, trước đây căn nhà của gia đình chỉ vẻn vẹn 40 m2. Với sức khỏe yếu và thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp, việc sửa chữa hay xây mới một ngôi nhà kiên cố là điều quá sức đối với vợ chồng ông. Mỗi khi mưa bão đến, cả nhà lo lắng không yên. Nhà dột hết chỗ này đến chỗ kia, đồ đạc cũng bị ướt hết. Vợ chồng ông già yếu, chỉ mong có một chỗ ở ổn định để tuổi già bớt khổ.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ địa phương, cuối tháng 3/2025, gia đình ông Nho đã sửa chữa lại ngôi nhà, xây thêm những bức tường vững chắc, thay mái mới nên không còn lo cảnh dột nát. "Giờ thì yên tâm rồi, mùa mưa bão đến cũng không còn sợ nữa. Gia đình cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn chính quyền địa phương nhiều lắm!", ông Nho nghẹn ngào nói.
Quyết tâm chính trị và sự chung tay của cộng đồng

Nhờ được hỗ trợ 50 triệu đồng, ông Trần Quang Nho, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình đã hoàn thành việc sửa chữa căn nhà của gia đình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Theo thống kê, Thái Bình có trên 3.000 hộ có nhà tạm, nhà ở dột nát đủ điều kiện được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, với kinh phí hỗ trợ trên 252 tỷ đồng. Những câu chuyện của bà Nhị và ông Nho chỉ là hai trong số hàng nghìn trường hợp khó khăn đã và đang được hỗ trợ. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhiều địa phương đã "cán đích" xóa nhà tạm, nhà dột nát ngay trong tháng 5.
Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường, huyện Tiền Hải cho biết, xã có 4 gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công trong diện sửa chữa, xây mới nhà ở. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân địa phương, đến nay, xã Nam Cường đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo nơi an cư cho những người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình người có công với cách mạng.
Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, qua rà soát, huyện có trên 600 ngôi nhà tạm, nhà dột nát cần xây mới hoặc sửa chữa. Trong đó, năm 2024 huyện đã hoàn thành việc xây mới, sửa chữa 200 ngôi nhà. Cùng với quyết tâm chung của toàn tỉnh hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 20/6/2025, cấp ủy, chính quyền huyện Tiền Hải đã vào cuộc quyết liệt, phấn đấu về đích trước thời hạn và hoàn thành các thủ tục, chi trả hỗ trợ cho người dân trước ngày 30/5/2025.
Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, tỉnh chú trọng đến công tác xã hội hóa, huy động sự chung tay đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Sự đồng lòng, sẻ chia của cả cộng đồng đã tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Thống kê đến cuối tháng 4/2025, kinh phí hỗ trợ thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn khoảng 180 tỷ đồng, trong đó từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024 đạt trên 134 tỷ đồng; kinh phí huy động trên 45 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, từ các nguồn kinh phí hỗ trợ thuộc Đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát tgiai đoạn 2024 - 2025 và Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở năm 2025, đến nay tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ 151 tỷ đồng; trên 2.900 căn nhà dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình người có công đã được khởi công, hoàn thành xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thái Bình đang tiến gần đến mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát và đảm bảo nhà ở cho người có công trước ngày 20/6/2025. Mỗi ngôi nhà được xây mới, mỗi mái nhà được sửa chữa không chỉ là niềm vui, sự động viên lớn lao mà còn thể hiện tinh thần sẻ chia, đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thái Bình hướng tới một cộng đồng ấm no, nghĩa tình - nơi không ai bị bỏ lại phía sau.