Nỗ lực xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân
Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, công tác phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn của Hà Nội đã đạt rất nhiều kết quả tích cực và luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Trong bối cảnh tình hình bão, lũ gây ảnh hưởng nặng nề, Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm ổn định sản xuất cho người dân, doanh nghiệp, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Phấn đấu 4 huyện đạt nông thôn mới nâng cao trong tháng 10/2024
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong 9 tháng qua, Thành phố đã huy động 26.640,6 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó: Ngân sách Thành phố chiếm 35,2%; ngân sách huyện chiếm 57,9%%; ngân sách xã chiếm 1,7% và vốn ngoài ngân sách Nhà nước chiếm 5,2%.Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến quý III/2024 là 84.316,9 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, công tác phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn của Hà Nội đã đạt rất nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Thành phố đã có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Về huyện nông thôn mới nâng cao, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để công nhận 4 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức) đạt tiêu chuẩn. Trên cơ sở góp ý của các bộ ngành Trung ương, hiện nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện hoàn thiện hồ sơ, gửi Hội đồng thẩm định Trung ương ngày 2/8/2024.
Ngày 27/8/2024, Hội đồng thẩm định Trung ương đã tổ chức họp thẩm định đối với huyện Thanh Trì. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện hồ sơ của huyện Thanh Trì và đã trình Thủ tướng Chính phủ. Còn 3 huyện còn lại phấn đấu được công nhận trong tháng 10/2024.
Huyện Thanh Oai đã hoàn thiện hồ sơ và trình Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia Thành phố để tổ chức họp, xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Còn 2 huyện Thường Tín và Đan Phượng đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện báo cáo thẩm tra theo đúng quy định.
Về xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu, Hà Nội có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2021 đến nay, Thành phố đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 742 sản phẩm 4 sao, 914 sản phẩm 3 sao) đạt 82,9% (còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm). Lũy kế từ 2019 đến nay, Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm), trong đó, có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.
Thành tựu quan trọng nhất của công tác xây dựng nông thôn mới là đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 66,01 triệu đồng/người/năm. Toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 178.747 lao động, đạt 108,3% so với kế hoạch. Đến 9/2024, Thành phố còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, đến nay, cơ bản các chỉ tiêu đã hoàn thành. Cơ sở hạ tầng, bố trí về tổ chức sản xuất đã hoàn thành cơ bản. Tiếp theo, sẽ định hình, xây dựng chương trình cho giai đoạn của nhiệm kỳ tới, theo đó, sẽ tập trung phục hồi, phát huy văn hóa của các dân tộc trên địa bàn; đồng thời xây dựng các mô hình du lịch để phát huy giá trị các vùng đồng bào dân tộc miền núi, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tập trung khôi phục sản xuất, đời sống sau bão, lũ
Thời gian vừa qua, cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề đối với thành phố Hà Nội. Theo thống kê, toàn Thành phố, bão số 3 khiến khoảng 100.000 cây xanh bị gãy, đổ; 22.848ha lúa bị gẫy, đổ, dập nát; 13.832ha lúa bị ngập; 10.830ha rau màu bị ngập, ảnh hưởng; 9.254ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 4.240ha thủy sản bị ảnh hưởng; 3.299 con gia súc bị chết; 462.893 con gia cầm bị chết, thất lạc; xảy ra khoảng 40 sự cố công trình đê điều và trên 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt…
Để khắc phục hậu quả của bão, lũ, Thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh; chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây; giải tỏa đảm bảo an toàn giao thông khoảng 7.420 cây. Đến nay công tác giải tỏa đã cơ bản hoàn thành. Hệ thống công trình đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra.
Cùng với đó, Thành phố đã hỗ trợ nhân dân các quận, huyện, thị xã bị ngập nước trên địa bàn gồm: 64,6 tấn gạo, 4.343 thùng mì tôm, 3.714 thùng sữa, 6.657 thùng nước, 16.353 bánh chưng…; đồng thời triển khai một số chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất với tổng số kinh phí trong giai đoạn 2024 - 2025 là 2.346,18 tỷ đồng…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, cần có cơ chế phối hợp đối với xử lý cây xanh, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật. Đối với các vùng như: Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức… chịu hậu quả cơn bão rất lớn, cũng cần phải có phương án xử lý lũ lụt cho các huyện, đặc biệt là huyện Chương Mỹ. Đối với hệ thống các cầu yếu, nhất là khu vực nông thôn, đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm, xử lý, khắc phục.
Biểu dương những kết quả đã đạt được trong thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình 04-CTr/TU, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đặc biệt đánh giá cao tinh thần chủ động của các đơn vị trong ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ trên địa bàn. Nhất là việc đánh giá kịp thời các cây cầu yếu để có cảnh báo, điều tiết kịp thời ngay từ những ngày đầu mưa bão. Các ngành cũng xử lý nhanh các sự số về điện lực, viễn thông, giao thông, khắc phục ngay các sự cố gãy đổ cây được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân đánh giá cao.
Để sớm khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị UBND Thành phố khẩn trương triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai 2 gói hỗ trợ. Trong đó, hỗ trợ cho nông dân, hỗ trợ hoạt động hợp tác xã; giãn, hoãn các gói vay đối với người dân, hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp vụ Đông, hỗ trợ tái đàn. Song song với đó, xử lý sự cố đê điều, thủy lợi để sớm ổn định sản xuất cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với các khu vực đê trọng yếu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tổng hợp lại, đưa vào kế hoạch đầu tư công 2024 - 2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để tập trung trong thời gian tới. Một số huyện ngập sâu, lâu ngày cần chủ động bám sát tình hình, nước rút đến đâu, tiến hành tổng vệ sinh đến đó, sớm ổn định đời sống nhân dân; đồng thời đánh giá mức độ hư hỏng, thiệt hại để hỗ trợ kịp thời.