Nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới ở vùng biên
ĐTO - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công nhận huyện Tân Hồng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2024. Đó là kết quả của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tân Hồng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (bìa phải) gặp gỡ nông dân thực hiện các mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Tân Phước (huyện Tân Hồng) năm 2024
Xây dựng NTM từ trong gian khó
Huyện Tân Hồng có xuất phát điểm xây dựng NTM thấp so với các huyện khác trong tỉnh, trung bình đạt khoảng 7,5 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân 12,8 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với bình quân của tỉnh. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tân Hồng không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo triển khai hoàn thành các mục tiêu xây dựng huyện NTM. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân tạo được sự đồng thuận đóng góp “tài lực, vật lực” xây dựng NTM, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở huyện biên giới Tân Hồng.
Liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện Tân Hồng triển khai công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và công bố công khai, quản lý quy hoạch theo quy định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Tân Hồng chỉ đạo rà soát, cho chủ trương lập, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các xã trên địa bàn huyện (theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn mới của cấp trên). Đến nay, 8/8 xã đều hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng NTM gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Minh Ngọc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tân Hồng (thứ 3 từ phải sang) thăm mô hình nuôi lươn trong bể ni-lông tại xã An Phước, huyện Tân Hồng
Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của người dân, giai đoạn 2011 - 2024, huyện Tân Hồng đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 210 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 527km (bao gồm các tuyến đường xã, đường ấp, đường ngõ xóm, nội đồng); xây mới hàng chục cầu giao thông nông thôn... Đến nay, tất cả các xã của huyện Tân Hồng đều đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, tạo thuận lợi trong việc đi lại và vận chuyển hàng nông sản của người dân địa phương.
Ông Huỳnh Văn Tài ngụ xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, cho biết: “Trước đây, xã còn nhiều tuyến đường đất, nhất là đường nội đồng lầy lội khi trời mưa; hệ thống cầu gỗ hoặc tải trọng thấp, gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị - xã hội xã Tân Thành A về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, các kế hoạch, phong trào chung sức xây dựng NTM của huyện, xã Tân Thành A, cá nhân tôi và nhiều người dân trên địa bàn xã rất đồng tình hưởng ứng đóng góp ngày công, kinh phí để triển khai các công trình, phần việc phục vụ an sinh xã hội tại địa phương. Qua xây dựng NTM, người dân được hưởng lợi thiết thực, nhất là hệ thống giao thông, trong đó có giao thông nội đồng, tạo thuận lợi khi đi lại, cũng như vận chuyển hàng hóa nông sản...”.

Một góc nội ô thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng
Phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân
Chính từ hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Tân Hồng phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực, trong đó tốc độ tăng trưởng một số ngành kinh tế chủ lực tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đúng hướng, giảm dần tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Đến nay, khu vực nông nghiệp chiếm gần 52%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 15% và thương mại - dịch vụ chiếm trên 32%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mở rộng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các loại giống có chất lượng cao; cải tạo vườn tạp, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng màu, góp phần tăng giá trị kinh tế.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất như: hệ thống tưới nhỏ giọt và thủy canh trong sản xuất dưa lưới (tại xã Tân Thành B và xã Tân Công Chí); ứng dụng hệ thống cảm biến trong tưới kết hợp châm phân cho vườn cây ăn trái (tại xã Tân Hộ Cơ); hệ thống giám sát tự động dịch hại (tại các xã: Bình Phú, An Phước, Tân Thành A). Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 khu vực nông thôn của 8 xã đạt 62,898 triệu đồng/người/năm (cao nhất là xã An Phước với 72,282 triệu đồng; thấp nhất là xã Tân Thành B với 59,44 triệu đồng), tăng 50,098 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tham gia Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” năm 2024 - thi công tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng
Cùng với việc thực hiện cơ cấu lại ngành kinh tế, trong những năm qua, huyện Tân Hồng quan tâm thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2011 đến cuối năm 2024, địa phương tổ chức, phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và doanh nghiệp tự đào tạo trên 18.400 lao động.
Chất lượng lao động được đào tạo nâng lên rõ rệt, lao động trong các ngành nghề phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Số lượng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện đạt khá cao, năm 2024 có 120 lao động xuất cảnh làm việc ở các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Từ đó, giúp một số hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định và thoát nghèo bền vững. Song song đó, huyện triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, chính sách về giảm nghèo bền vững, góp phần ổn định sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Đến cuối năm 2024, huyện Tân Hồng chỉ còn 789 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm 3,59%).
Đồng chí Nguyễn Minh Ngọc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng, cho biết: “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu xây dựng huyện NTM. Hiện tại, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, bộ mặt nông thôn khang trang, nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng thay thế những căn nhà tạm bợ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Sản xuất nông nghiệp phát triển với nhiều mô hình mới với cách làm sáng tạo, hiệu quả được nhân rộng, nhất là các mô hình có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định; năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng được tăng cường, củng cố, đổi mới đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương...”.