Nỗ lực xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế y tế để người dân, doanh nghiệp thêm hài lòng

Một trong những kết quả nổi bật trong năm qua của ngành Y tế là công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện.

Đặc biệt, trong năm 2024, lần đầu tiên Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Luật trong một kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Tham mưu nội dung về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng đó, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ ban hành 4 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quyết định, 2 chỉ thị; Ban hành theo thẩm quyền 44 thông tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đây là các văn bản then chốt nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập của ngành trong thời gian qua.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của ngành Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, trong năm 2024, ngành Y tế đã có bước phát triển vượt bậc về thể chế, giải quyết được những vướng mắc, bức xúc; công tác chỉ đạo, điều hành đã linh hoạt hơn giúp từng bước khắc phục hệ lụy sau COVID-19, xử lý một số tồn đọng của ngành...

Tạo cơ chế cho ngành Dược Việt Nam phát triển, đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý

Ngày 21/11/2024 đã ghi một dấu ấn quan trọng trong công tác thể chế của ngành Y tế, đó là khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo DSCKII. Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, với 7 điểm mới so với trước đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về dược, giúp ngành Dược tiếp tục phát triển mạnh mẽ cũng như đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý.

Chia sẻ về việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bày tỏ kỳ vọng giải quyết được dứt điểm nguy cơ đứt nguồn cung cho các thuốc được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội (sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2024), đồng thời đem lại các cơ hội phát triển ngành mới nếu các quy định được triển khai hiệu quả.

Về trung hạn và dài hạn, trong các năm 2025-2026 và 2026-2031, các quy định tại Luật và các văn bản dưới Luật khi thực thi hiệu quả bởi các bên liên quan (đặc biệt cơ quan quản lý - doanh nghiệp/tổ chức nghiên cứu - các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường hoạt động của ngành Dược, tăng cường tính dự báo và thu hút đầu tư.

Bộ Y tế tiếp tục rà soát, cải thiện các quy định nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời kiến tạo môi trường phát triển ngành Dược theo hướng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Tập trung vào khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển mang lại các lợi ích vững bền trực tiếp đến người bệnh và hệ thống y tế Việt Nam.

Cùng đó, việc vận dụng hiệu quả các quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được thông qua nhằm đạt các mục tiêu đề ra tại các Chiến lược phát triển ngành Dược (tại Quyết định 376 và 1165 của Thủ tướng Chính phủ).

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong hơn 26 năm vừa qua cam kết đồng hành cùng ngành Y tế Việt Nam xây dựng các quy định hài hòa, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm kiến tạo một môi trường phát triển thuận lợi cho ngành Dược và thực hiện các mục tiêu chính sách lớn của ngành Y tế nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Bà Nguyễn Đỗ Quyên - Phó Tổng Giám đốc FPT Retail cho rằng: Việc sửa đổi Luật Dược lần này tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn để doanh nghiệp yên tâm và vững tin hoạt động. "Chúng tôi đánh giá đây là lần sửa đổi rất tích cực, kịp thời của các cơ quan quản lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn. Từ đó giúp các doanh nghiệp chuyên tâm trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, chung tay vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cũng theo bà Quyên, lần đầu tiên hoạt động của mô hình chuỗi nhà thuốc được chính thức luật hóa một cách chi tiết. Việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định sự công nhận của Quốc hội và các cơ quan quản lý đối với vai trò của chuỗi nhà thuốc trong hoạt động cung ứng thuốc đến người tiêu dùng.

Về thương mại điện tử ngành Dược, chúng tôi rất vui mừng vì hoạt động bán thuốc online đã có hành lang pháp lý. Chúng tôi kỳ vọng ở giai đoạn tiếp theo, khi xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn, Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp nhận các ý kiến đa chiều, đồng thời tham khảo mô hình quản lý việc bán thuốc online của các nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam để ban hành các hướng dẫn chi tiết và phù hợp với nền kinh tế số, bà Quyên nói.

Đặt quyền lợi của người dân lên trước hết trong chính sách an sinh bảo hiểm y tế

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) với 8 điểm mới tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Tiêu biểu như người tham gia BHYT có thể đến khám, chữa bệnh (KCB) tại bất kỳ cơ sở KCB BHYT cấp ban đầu, cấp cơ bản trong toàn quốc. Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu...

Cơ chế điều chuyển thuốc giữa các bệnh viện vẫn được BHYT thanh toán theo quy định nhằm giảm thiểu việc thiếu thuốc ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cũng như quyền lợi của người bệnh...

Về mở rộng quyền lợi, Luật mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức KCB từ xa, hỗ trợ KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Ứng dụng công nghệ giúp người bệnh khám chữa bệnh bằng BHYT ngày càng thuận lợi.

Ứng dụng công nghệ giúp người bệnh khám chữa bệnh bằng BHYT ngày càng thuận lợi.

Một điểm nhấn là trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các quy định được thiết kế hướng đến việc "xóa địa giới hành chính" trong KCB. Luật quy định đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh về phân cấp chuyên môn thành 3 cấp gồm: chuyên sâu, cơ bản và ban đầu.

Trong đó, việc chuyển cơ sở KCB không phụ thuộc vào tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương như trước); tạo điều kiện tối đa cho người bệnh, giảm thủ tục hành chính khi chuyển cơ sở KCB.

Về đăng ký KCB ban đầu có quy định, tiêu chí rất rõ ràng. Trong đó, người đăng ký KCB ban đầu ở cấp cao sẽ được KCB ở cấp thấp hơn. Đặc biệt là việc người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở y tế cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Như vậy, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần phải chuyển tuyến theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng.

Luật cũng quy định khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi phải mua thuốc bên ngoài... Cùng đó, Luật cũng quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8%, trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế y tế

Năm 2024 cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, do đó ngành Y tế đã tập trung, ưu tiên nguồn lực hoàn thiện hành lang pháp lý lĩnh vực KCB. Trong năm, Bộ Y tế ban hành 9 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giá, Luật sửa đổi một số điều của Luật BHYT. Đồng thời, rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đối với Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 32/2023/TT-BYT để tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Tiếp tục hoàn thiện các Đề án xây dựng Trung tâm xạ trị proton; phát triển pháp y, pháp y tâm thần bắt buộc chữa bệnh; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật...; cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn chuyên môn, phác đồ điều trị. Trong năm, tập trung hướng dẫn các cơ sở y tế chuyển từ 4 tuyến sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Có thể nói, với những điểm mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở KCB; Góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Một trong những điểm nhấn khác của công tác xây dựng, tham mưu xây dựng thể chế liên quan đến y tế đó là Bộ Y tế đã tham mưu nội dung về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết của Quốc hội được nhân dân hưởng ứng, bạn bè quốc tế hoan nghênh, thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước: Việc bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết. Việc cấm toàn bộ sản phẩm thuốc lá mới là phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngay sau khi Quốc hội nhất trí cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã chúc mừng và hoan nghênh quyết định này: "Tôi hết sức vui mừng khi biết rằng Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đó là một cuộc bỏ phiếu cho sức khỏe và tương lai của lớp trẻ".

Quỹ Sáng kiến Bloomberg cũng gửi lời chúc mừng và nhấn mạnh đây kết quả đáng tự hào, thể hiện sự nỗ lực và đoàn kết của các cán bộ phòng chống tác hại thuốc lá và các đối tác tại Việt Nam.

Chia sẻ thêm về công tác xây dựng thể chế ngành Y tế trong năm 2025, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; hoàn thành xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, các đề án, văn bản trong chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Y tế năm 2025 và thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế; tập trung xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục xây dựng Luật Phòng bệnh, Luật Dân số, Luật Thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi...

Cùng đó, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức triển khai, xây dựng chính sách liên quan đến chế độ phụ cấp của đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng dự thảo Nghị định về phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch; Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản...

Nguyễn Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/no-luc-xay-dung-chinh-sach-hoan-thien-the-che-y-te-de-nguoi-dan-doanh-nghiep-them-hai-long-169250123140558804.htm
Zalo