Nỗ lực vì sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ

Với vai trò gắn kết và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, hội liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về bình đẳng giới; tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Đồng thời, động viên, khuyến khích phụ nữ nâng cao trình độ và tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội… từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025 được Tỉnh hội quan tâm chỉ đạo quyết liệt với trên 20 văn bản cụ thể hóa để triển khai thực hiện. Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án 8, giai đoạn 2021 - 2030 là thực hiện bình đẳng giới. Để đạt được mục tiêu này, có nhiều yếu tố đem lại thành công, trong đó phải kể đến yếu tố con người tham gia thực hiện chương trình. Do vậy, Tỉnh hội đã quan tâm đào tạo nâng cao trình độ cán bộ tham gia Dự án 8 và chú trọng tập huấn, bồi dưỡng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tăng cường tập huấn liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Ảnh: SỚM MAI

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tăng cường tập huấn liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Ảnh: SỚM MAI

Chỉ riêng trong 9 tháng năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 11 lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên phụ nữ; 1 lớp nâng cao năng lực cho dẫn trình viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường trung học cơ sở về việc hướng dẫn nội dung, kỹ năng sinh hoạt; 2 lớp chương trình về nâng cao năng lực lồng ghép giới. Đồng thời, tổ chức 6 cuộc “Đối thoại chính sách trợ giúp xã hội đối với phụ nữ, trẻ em bị bạo lực và mua bán trở về”; 9 cuộc hội thảo giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại 9 huyện, thị xã.

Đây chính là sự định hướng chủ trương đến phương thức thống nhất trong hành động và mấu chốt quyết định đến sự thành công của Dự án 8 đã được truyền tải kịp thời đến cơ sở.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng có nhiều hoạt động triển khai thực hiện Dự án 8. Ảnh: SỚM MAI

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng có nhiều hoạt động triển khai thực hiện Dự án 8. Ảnh: SỚM MAI

Nhất quán từ nhận thức sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, các cấp hội phụ nữ đã thành lập mới 18 tổ truyền thông, nâng tổng số toàn tỉnh có 128 tổ truyền thông, vượt 8,47% chỉ tiêu giai đoạn I. Thành lập mới và củng cố 49 địa chỉ tin cậy, thực hiện công tác hỗ trợ theo quy định, nâng tổng số có 74 địa chỉ tin cậy, vượt 428% chỉ tiêu giai đoạn và các cấp hội còn tổ chức trên 600 cuộc tập huấn, tuyên truyền, vận động. Các cấp hội đã thực hiện bằng nhiều hình thức: truyền thông và lồng ghép hội thi; nói chuyện chuyên đề kết hợp hái hoa dân chủ; truyền thông thực hiện bình đẳng giới với chủ đề “Chuyện nhà tôi”; chiến dịch truyền thông lồng ghép “Hệ lụy của việc bỏ học, không có việc làm, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”… Từ đó, đã tích cực thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, hướng dẫn xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số, truyền thông về xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em.

Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Sóc Trăng đã tạo điều kiện để chị em phụ nữ khởi nghiệp với các mô hình, sản phẩm độc đáo để nâng cao quyền năng phụ nữ. Ảnh: SỚM MAI

Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Sóc Trăng đã tạo điều kiện để chị em phụ nữ khởi nghiệp với các mô hình, sản phẩm độc đáo để nâng cao quyền năng phụ nữ. Ảnh: SỚM MAI

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ, Tỉnh hội cùng hội huyện, thị xã, thành phố đã chủ trì 12 cuộc giám sát, có hơn 250 đại biểu tham dự và 200 người dân tham gia thông qua trả lời phiếu hỏi về nội dung công tác chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động nữ khi nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Các cấp hội còn đề xuất hỗ trợ cho phụ nữ; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 3 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân về các lĩnh vực.

Xác định công tác bình đẳng giới phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, các cấp hội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ vươn lên, nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt. Trong đó, Tỉnh hội quan tâm thực hiện quyền bình đẳng trên lĩnh vực lao động, việc làm, các cấp hội vận động nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao địa vị của người phụ nữ trong gia đình. Nổi bật, 9 tháng năm 2024, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, các cấp hội đã hỗ trợ 40 phụ nữ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giới thiệu 551 hội viên phụ nữ vay vốn ủy thác để triển khai khởi nghiệp. Nhờ vậy, đã từng bước rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế, tạo thuận lợi giúp chị em phát huy giá trị và trở thành nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng vì sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự thiết lập được các mối quan hệ tốt trên cơ sở của sự hiểu biết và tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để đi đến con đường hạnh phúc. Do vậy, trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá thể, mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi mái ấm gia đình và toàn xã hội. Đó là cơ sở quan trọng trong xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, văn minh và hạnh phúc”.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doan-the/202410/no-luc-vi-su-binh-ang-tien-bo-cua-phu-nu-1b55c7c/
Zalo