Nỗ lực triển khai Đề án 06 đã mang đến lợi ích cho EVN và khách hàng

Trong giai đoạn 2022 - 2024, EVN đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng trong quá trình triển khai Đề án 06.

Để thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, EVN đã xác định rõ mục tiêu trở thành doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng một hệ thống điện thông minh, hiện đại.

Theo yêu cầu của Đề án 06, EVN được giao thực hiện việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDL Dân cư) qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Mục tiêu là cung cấp hai dịch vụ chủ chốt: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.

Ngay trong năm 2022, Tập đoàn đã hoàn thành việc kết nối và triển khai cung cấp hai dịch vụ này sớm hơn 5 tháng so với thời gian yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

EVN cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử tới khách hàng

EVN cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử tới khách hàng

Trong năm 2022, EVN đã hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các giải pháp để thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu từ CSDL dân cư qua Cổng DVCQG, với tỷ lệ 100% dịch vụ điện hiện đang cung cấp trên cổng này.

Bên cạnh đó, EVN cũng đã xây dựng hệ sinh thái số mang tên EVNConnect, nhằm tăng cường kết nối với các nền tảng chuyển đổi số của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Việc này nhằm khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung của quốc gia và cung cấp dịch vụ điện hiệu quả hơn.

Năm 2023, EVN đã triển khai việc tích hợp định danh điện tử mức độ 2 của Bộ Công an, cho phép người dân giao dịch toàn bộ dịch vụ điện trên môi trường số qua nền tảng VNeID và Cổng DVCQG.

Đến 6 tháng đầu năm 2024, EVN tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dữ liệu dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an để đảm bảo tất cả hợp đồng mua bán điện của EVN đều được đối soát khớp với thông tin trong CSDL dân cư, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

EVN hiện đang cung cấp điện cho hơn 99,8% số hộ dân trên toàn quốc, tương ứng với khoảng 31,1 triệu khách hàng. Bình quân mỗi năm, EVN có thêm khoảng 1 triệu khách hàng mới và gần 1 triệu yêu cầu thay đổi nội dung trong hợp đồng mua bán điện.

Tất cả các hợp đồng và dịch vụ điện đều được cung cấp qua phương thức điện tử, giúp tiết kiệm chi phí đi lại cho khách hàng và nâng cao hiệu quả trong quy trình làm việc.

Hồ sơ giao dịch dịch vụ điện được sử dụng dưới dạng hồ sơ điện tử, và ký điện tử bằng chứng thư số (CA) hoặc OTP. Việc kết nối với CSDL dân cư đã giúp EVN định danh các chủ thể hợp đồng mua bán điện qua hệ thống VNeID, mở ra hướng mới trong việc quản lý mua bán và sử dụng điện.

Nhờ vào những cải tiến này, EVN đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng, qua đó ghi nhận và đánh giá cao dịch vụ số "chạm tiện ích". Theo kết quả đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công, đến tháng 6/2024, EVN đứng đầu trong các Bộ/ngành cung cấp dịch vụ trên Cổng DVCQG, điều này chứng tỏ nỗ lực của Tập đoàn trong việc cải thiện dịch vụ khách hàng.

100% dịch vụ EVN cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt mức độ 4 – mức độ cao nhất của dịch vụ công trực tuyến

100% dịch vụ EVN cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt mức độ 4 – mức độ cao nhất của dịch vụ công trực tuyến

Trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả các CSDL quốc gia nhằm nâng cao sự hài lòng của khách hàng, đồng thời tăng cường năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Những nỗ lực này không chỉ góp phần xây dựng một hệ thống điện thông minh mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

P.Nguyễn

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/no-luc-trien-khai-de-an-06-da-mang-den-loi-ich-cho-evn-va-khach-hang-196241123111710656.htm
Zalo