Nỗ lực tìm kiếm, sớm dựng làng tái định cư
Cùng với nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích trong các vụ sạt lở ở Nậm Tông, Làng Nủ, các địa phương, bộ, ngành, cơ quan chức năng cũng đang khẩn trương giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Ngày 14-9, lực lượng chức năng vẫn đang tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi nghiêm trọng xảy ra vào ngày 10-9, tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Vụ sạt lở khiến 18 người chết và mất tích, 11 người bị thương.
Tang thương Nậm Tông
Sau hơn 4 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy 9 thi thể, 9 người còn bị vùi lấp dưới đống đất đá sau trận lũ quét kinh hoàng. Sau hơn 3 giờ đi bộ băng rừng, vượt khoảng 8 km đường núi với nhiều đoạn sạt lở, ngày 13-9, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp cận hiện trường vụ sạt tại thôn Nậm Tông. Địa bàn nằm xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, để tiếp cận hiện trường này phải đi bộ nhiều giờ băng rừng, địa hình hiểm trở, nhiều đoạn bị sạt lở.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, ngọn núi lớn bao quanh thôn Nậm Tông đã bất ngờ đổ sụp, "xóa sổ" hoàn toàn 8 căn nhà của các hộ dân nơi đây. Khu vực xảy ra sạt lở có 15 hộ dân với 80 nhân khẩu. Sinh sống nhiều đời tại đây, người dân thôn Nậm Tông, chủ yếu là dân tộc Mông, dựng nhà kế bên dòng suối nhỏ chảy về hạ nguồn.
Ông Lù Seo Nương, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Tông, cho biết sau một tiếng nổ lớn vào trưa 10-9, ngọn núi đổ sập xuống, đất đá vùi lấp nhiều căn nhà trong thôn, một số hộ dân kịp chạy thoát ra ngoài, trong khi 18 người bị vùi trong đất đá. "Do sạt lở vào buổi trưa, một số gia đình đang đi làm ở bên ngoài, một số cháu nhỏ đang đi học nên số lượng người bị vùi lấp mới dừng lại ở con số 18" - ông Nương đau buồn nói về trận sạt lở kinh hoàng.
Theo ông Nương, tại thôn, một số gia đình có trên 2 người bị tử vong trong vụ sạt lở này. Trong đó, cháu Lý Thị Vân (8 tuổi) là trường hợp thương tâm nhất khi mất bố, mẹ, anh trai và 2 em gái. Trong ánh mắt thơ ngây khi được di tản lên khu vực lán trại của lực lượng chức năng, cháu Vân dường như chưa hiểu hết những gì vừa xảy ra với thôn và gia đình mình.
Những ngày qua, lực lượng chức năng không quản ngày đêm tìm kiếm nạn nhân mất tích. Đại úy Vũ Minh Tuấn - Phó trưởng Ban Tham mưu, Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô - cho biết sau khi nhận lệnh cấp trên, 100 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã cơ động hành quân đến địa điểm sạt lở để triển khai nhiệm vụ. Suốt 4 ngày qua, cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn chia làm 2 ca tìm kiếm, hết giờ làm nhiệm vụ, toàn lực lượng di chuyển về lán trại để ngủ qua đêm nhằm bảo đảm an toàn khi khu vực này nguy cơ sạt lở còn rất cao. Tại khu vực lán trại, toàn bộ người dân thôn Nậm Tông đã được di tản lên đây để bảo đảm an toàn. Người dân được bố trí chỗ ngủ, nghỉ tạm thời trong thời gian chờ chính quyền địa phương có phương án về nơi ở mới.
Cùng với lực lượng bộ đội, trong ngày tìm kiếm thứ 4, dưới đống đổ nát, hàng trăm chiến sĩ công an, tình nguyện viên khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Lực lượng chức năng đã khoanh vùng khu vực, chia ca lội bùn sâu, đào bới theo hình thức "cuốn chiếu" để tìm kiếm nạn nhân.
Theo đại úy Vũ Minh Tuấn, địa hình khu vực này trải dài men theo dòng suối chảy qua thôn Nậm Tông nên vùng sạt lở rất rộng. Do đó, bên cạnh lực lượng công an, quân đội thì cần dựa vào người dân để nắm thông tin, xác định các khu vực tìm kiếm có hiệu quả nhất. "Cố gắng đào sâu hơn, đào từng khu vực, xong điểm nào khoanh vùng điểm đó để chuyển sang vị trí khác" - đại úy Tuấn nói.
Cũng trong những ngày vừa qua, do giao thông bị chia cắt, rất đông người dân đã tình nguyện gùi hàng cứu trợ đến thôn Nậm Tông để hỗ trợ người dân và lực lượng chức năng đang tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại đây. Chị Vũ Thị Huyền (ở xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) cùng đoàn thiện nguyện trong 3 ngày 12, 13 và 14-9 tổ chức mang hàng lên hỗ trợ người dân, lực lượng chức năng. Chị chia sẻ: "Với địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, trong đoàn ai cũng thấm mệt, song nghĩ đến người dân, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ vất vả nhiều ngày qua, chúng tôi lại cố gắng đến điểm tập kết".
Dựng làng mới cho dân
Trong nhiều ngày qua, phóng viên Báo Người Lao Động cũng túc trực tại hiện trường trận lũ cuốn trôi vùi lấp toàn bộ nhà cửa, tài sản của 39 hộ với 158 nhân khẩu ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vào rạng sáng 10-9.
Tại cuộc họp lấy ý kiến người dân thôn Làng Nủ sáng 14-9, ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, khẳng định quyết tâm của huyện là sẽ xây dựng khu tái định cư mới cho người dân Làng Nủ. như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bà Hoàng Thị Luật, đại diện người dân thôn Làng Nủ, đề nghị chính quyền khẩn trương xây dựng khu tái định cư để dân sớm có nhà mới để ở, ổn định cuộc sống.
Kết thúc cuộc họp, người dân nhất trí lựa chọn khu tái định cư mới cách địa điểm hiện tại khoảng 1,5 km - là khu đất ngay Nhà Văn hóa bản 1 (thuộc xã Long Khánh cũ khi chưa sáp nhập), đồng thời đề nghị kiến trúc nhà ở theo truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được xây dựng bằng xi-măng cốt thép. Theo ông Thông, quan điểm của huyện sẽ đề nghị với cấp trên hỗ trợ hoàn toàn cho các hộ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bảo đảm điều kiện sống tốt nhất cho người dân.
Trước đó, ngày 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hủy tất cả cuộc họp để lên với bà con Làng Nủ. Ngay sau buổi thị sát hiện trường, làm việc với các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tìm vị trí tái thiết khu ở mới cho người dân mất nhà cửa trong vụ lũ quét. Thủ tướng giao chậm nhất đến ngày 31-12 phải hoàn thiện khu tái định cư cho người dân. Đặc biệt, nơi ở mới của người dân phải bảo đảm có đầy đủ nhu cầu thiết yếu như điện, nước sạch, môi trường sống an toàn, lành mạnh, có cây xanh, khu vui chơi.
Theo ông Trần Trọng Thông, trong lúc chờ xây dựng khu ở mới, từ sáng 14-9, UBND huyện Bảo Yên đã huy động máy móc san gạt, triển khai xây nhà tạm cho người dân mất nhà có chỗ ở tạm thời.
Trong khi đó, các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích trong trận lũ quét kinh hoàng này. Ngày sau khi trận lũ quét xảy ra, Sư đoàn 317 (Quân khu 2 - Bộ Quốc phòng) đã huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ hành quân tới thôn Làng Nủ hỗ trợ công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2, đã trực tiếp vào hiện trường nắm bắt tình hình, tham gia chỉ huy công tác tìm kiếm người mất tích, giao nhiệm vụ, động viên bộ đội tập trung làm việc với tinh thần "3 nhất" (phát huy tinh thần tốt nhất, trách nhiệm cao nhất, thể hiện tình quân dân sâu đậm nhất).
Tính đến thời điểm này, ngoài 48 người chết và những người bị thương, còn 36 người được xác định mất tích. Trong ngày tìm kiếm thứ 4 (14-9), lực lượng quân đội, công an vẫn bám trụ sở chỉ huy dã chiến, dốc sức tìm kiếm những người mất tích. Đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng tìm thấy thêm 3 trường hợp, nâng tổng số người chết lên 51, số người mất tích giảm còn 33.
Cũng trong ngày 14-9, lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm 8 nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu (nối 2 chuyện Tam Nông - Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ). Lực lượng tìm kiếm do lực lượng quân đội, công an đảm nhiệm. Bên cạnh đó còn huy động lực lượng thợ lặn của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, xuồng máy của các đơn vị để mở rộng phạm vi tìm kiếm xuống vùng hạ lưu.
Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống
Ngày 14-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Tại đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gửi lời chia sẻ, động viên, thăm hỏi tới các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra; mong các hộ dân cố gắng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Nhằm giúp đỡ các hộ dân vượt qua khó khăn trước mắt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đoàn công tác đã trao hỗ trợ 25 suất quà cho các gia đình bị ảnh hưởng của bão số 3, mỗi hộ 1 triệu đồng tiền mặt và 1 túi quà gồm nhu yếu phẩm; trao 25 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 1 túi quà gồm bánh, kẹo nhân dịp Tết Trung thu.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La sau đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy làm tốt hơn nữa theo phương châm "4 tại chỗ", có các phương án hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống. Dịp này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa và đoàn công tác đã trao cho tỉnh Sơn La 800 triệu đồng góp phần khắc phục hậu quả mưa lũ.
352 người chết và mất tích do mưa lũ
Theo báo cáo từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 17 giờ ngày 14-9 đã có 352 người chết và mất tích (276 người chết, 76 người mất tích) do bão số 3, mưa lũ gây ra. Trong đó, Lào Cai 172 người (113 người chết, 59 người mất tích); Cao Bằng 58 người (53 người chết, 5 người mất tích); Yên Bái 54 người (53 người chết, 1 người mất tích); Quảng Ninh 25 người chết; Hòa Bình 7 người chết; Tuyên Quang 5 người chết; Phú Thọ 11 người (1 người chết do sạt lở đất, 1 người chết do lũ, 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu, 1 người mất tích do lũ)...
M.Chiến