Nỗ lực thực hiện Chương trình MTQG 1719
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhiều công trình, dự án đã phát huy hiệu quả tích cực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn.
Điện Biên là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đời sống của bà con còn rất khó khăn nhưng từ khi Chương trình MTQG 1719 đi vào cuộc sống, tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để quản lý, chỉ đạo, điều hành, quy định, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Vì vậy, đời sống của bà con đang từng bước thay đổi.
Tiêu biểu như tại huyện Tủa Chùa. Với đặc thù là huyện nghèo, biên giới của tỉnh Điện Biên, với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Tủa Chùa đã nỗ lực triển khai thực hiện các dự án, để người dân được thụ hưởng chính sách kịp thời. Trong đó, chú trọng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Theo ông Thào A Lử, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Nhờ đó, huyện đã triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Còn tại thành phố Điện Biên Phủ, thực hiện Chương trình MTQG 1719, toàn thành phố được phân bổ tổng nguồn vốn hơn 57 tỷ đồng. Từ nguồn lực của Chương trình, nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể, đối với nội dung “Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung” thuộc Dự án 1, thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thành 5 công trình, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2023. Cụ thể, các công trình nước sinh hoạt tập trung được xây dựng ở bản Vang, bản Kéo xã Pá Khoang; công trình ở bản Phiêng Lơi, Nà Nghè và bản Tân Quang, xã Thanh Minh hoàn thành đã giúp hằng trăm hộ dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Vì vậy, Chương trình MTQG 1719 là động lực quan trọng thúc đẩy vùng DTTS và miền núi của thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục phát triển. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào ngày càng tốt hơn. Hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất ngày càng hoàn chỉnh; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy… Đến nay, thành phố Điện Biên Phủ đã có 5/5 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,38% năm 2019 xuống còn 0,09% năm 2023.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, trong 6 tháng đầu năm 2024, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để quản lý, chỉ đạo, điều hành các quy định, hướng dẫn của việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách dân tộc tiếp tục được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với các chính sách dân tộc. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành phân bổ chi tiết 100% kế hoạch nguồn vốn ngân sách Trung ương giao; đồng thời huy động được hơn 7 tỷ đồng từ các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong năm 2024.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Từng đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, thiết thực, tập trung các giải pháp tác động trực tiếp đến thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào vùng DTTS; phân công các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trực tiếp theo dõi, tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn.