Nỗ lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội
Xác định công tác bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) là nền tảng cho sự phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực vì người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh vùng khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật, nỗ lực giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, vì sự phát triển bền vững của xã hội.
Với vai trò cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực xã hội như: Bảo trợ xã hội, người có công, bảo vệ chăm sóc trẻ em, việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm tốt công tác ASXH, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn.
Theo đó, sở đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác giảm nghèo như: Ưu tiên thực hiện các chính sách, trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, xây mới, sửa chữa nhà ở... giúp người yếu thế vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, 100% người nghèo trên địa bàn tỉnh đã được cấp thẻ BHYT, hàng ngàn người nghèo đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, qua đó từng bước thoát nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua các năm. Bên cạnh đó, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, ASXH luôn được đảm bảo. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 1,4%, từ 3,52% cuối năm 2023 xuống còn 2,12%, tương đương giảm 14.014 hộ, từ 35.320 hộ xuống còn 21.306 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,94%, từ 5,57% cuối năm 2023 xuống còn 4,63% vào cuối năm 2024, tương đương giảm 9.376 hộ cận nghèo, từ 55.797 hộ xuống còn 46.421 hộ.
Cùng với công tác giảm nghèo, công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công; công tác đào tạo nghề; công tác bảo trợ xã hội... cũng được tỉnh quan tâm, thực hiện đầy đủ, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Đến nay, 100% đối tượng đã được chuyển hưởng trợ cấp ưu đãi theo quy định; có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.
Song song với các hoạt động trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng quy định đối với trên 187.646 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí thực hiện hằng tháng hơn 140 tỷ đồng. Đặc biệt, thường xuyên nắm bắt, theo dõi chặt chẽ tình hình đời sống của Nhân dân, nhất là các hộ có nguy cơ thiếu đói trong dịp tết, thời kỳ giáp hạt hoặc do dịch bệnh, thiên tai để kịp thời đưa ra giải pháp hỗ trợ và đảm bảo ASXH.
Với những giải pháp được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tình hình lao động - việc làm trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định; thị trường lao động đang được phục hồi. Năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 62.350 người lao động, vượt 7,5% kế hoạch năm và đạt 99,2% so với cùng kỳ năm trước. Những kết quả ấn tượng này đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,65% vào cuối năm 2024, giảm 0,15% so với năm 2023. Đồng thời, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cũng được kéo giảm xuống còn 5,65%, giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước.
Từ những kết quả trên cho thấy, công tác bảo đảm ASXH đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, ngành, đoàn thể và Nhân dân. Đây là tiền đề góp phần bảo đảm ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách ASXH, thời gian tới các cấp, ngành tăng cường phối hợp, tập trung phát triển hệ thống ASXH, gắn chính sách an sinh với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tiếp tục phát huy hiệu quả đảm bảo ASXH cho các đối tượng người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội, các đối tượng yếu thế... trên nguyên tắc đảm bảo thực hiện các chính sách, chế độ đúng, đủ, kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia vào công tác bảo đảm ASXH, trợ giúp kịp thời các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.