Nỗ lực thông xe sớm một số đoạn tuyến trên cao tốc Bến Lức - Long Thành

Các gói thầu thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đã đạt trên 80%, Ban quản lý các đường cao tốc phía Nam (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để thông xe một số đoạn tuyến sớm trong quý IV/2024.

Theo thống kê của Ban quản lý các đường cao tốc phía Nam, đến đầu tháng 9/2024, sản lượng dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đã đạt tiến độ tổng thể khoảng 85% so với kế hoạch. Các gói thầu A2-1, A3, J2, A5, A7 đã cơ bản hoàn thành, các gói thầu còn lại A1-1, A2.2-4, J1, A6-1, A6-2, A6-3, A6-4, A6-5 đang được các đơn vị thi công “chạy nước rút” hoàn thiện.

Nỗ lực thông xe sớm một số đoạn tuyến trên cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Nỗ lực thông xe sớm một số đoạn tuyến trên cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, dự án dự kiến sẽ thông xe sớm các đoạn qua tỉnh Long An từ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đến nút giao với Quốc lộ (QL)1 qua huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và đoạn từ nút giao với QL51 đến đường liên cảng Phước An.

Qua tìm hiểu, hiện nay, dự án đang tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công để cán đích trước kế hoạch cầu Bình Khánh (thuộc gói thầu J1) trên tuyến cao tốc. Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), là lớn nhất của dự án, tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, được khởi động từ tháng 8/2015 và dự kiến sẽ hoàn thành sau 47 tháng. Đến đầu tháng 9/2024, sau hơn 1 năm tải khởi công, cầu hiện đạt gần 82% khối lượng xây lắp, dự kiến hoàn thành 9/2025.

Trước đó, cuối năm 2018, cầu Bình Khánh phải tạm ngừng thi công do vướng mắc về vốn và đến tháng 10/2023 mới tái khởi động trở lại. Cầu thiết kế theo kiểu dây văng 2 mặt phẳng, độ dài 2 nhịp chính giữa lòng sông là 375 m, đặt trên hai trụ cầu cao 155 m, với móng trụ tháp có kết cấu dạng móng cọc ống thép, tĩnh không thông thuyền lên đến 55 m, cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Chiều cao khoảng không giữa gầm cầu với mặt nước được thiết kế để phục vụ cho những tàu thuyền có trọng tải lớn, thường xuyên lưu thông trên sông Soài Rạp. Khi cầu Bình Khánh hoàn thiện, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ được thông suốt từ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đến hết địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Một cầu lớn khác trên tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành là cầu Phước Khánh (gói thầu J3) cũng đang được Chủ đầu tư mời thầu lại. Cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Năm 2022, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư) và nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng, khi khối lượng tổng thể đạt khoảng 80%. Hiện nay, khối lượng xây lắp còn lại chủ yếu gồm phần dầm bản mặt cầu và hệ cáp văng, thảm bê tông nhựa, hệ thống chiếu sáng, lan can, dải phân cách, hệ thống thoát nước cầu chính…

Theo đại diện Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam, cầu Phước Khánh là “đường gang” dự án, tiến độ cầu hiện nay có vai trò quyết định thời gian thông xe toàn tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành. Vì vậy, chủ đầu tư dự án đang khẩn trương mời thầu để sớm tái khởi động thi công…

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, đi qua Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, dài gần 58 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 31.320 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại huyện Bến Lức (Long An) kết nối cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; điểm cuối kết nối với QL 51 tại huyện Long Thành (Đồng Nai). Dự án khởi công tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành năm 2019, song quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, nên thời gian thi công kéo dài.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/no-luc-thong-xe-som-mot-so-doan-tuyen-tren-cao-toc-ben-luc-long-thanh-20240913144533779.htm
Zalo