Nỗ lực phục hồi vùng chuyên canh bưởi
Cơn bão số 3 để lại thiệt hại nặng nề về kinh tế cho tỉnh Tuyên Quang, trong đó có cây bưởi. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có hơn 5.300 ha cây bưởi, trong đó tập trung thành vùng chuyên canh lớn ở thượng huyện Yên Sơn với khoảng 4.000 ha. Trận lũ lụt lịch sử vừa qua, nước sông Gâm và sông Lô lên cao làm ngập 1.300 ha bưởi toàn tỉnh, trong đó có diện tích bưởi Soi Hà đang chuẩn bị thu hoạch.
Việc mất trắng sản lượng bưởi của 1.300 ha đã là rất lớn, nhưng điều lo lắng nhất của người nông dân là nhiều cây bưởi mấy chục năm tuổi đang héo lá, chết dần.
Lên xã Xuân Vân (Yên Sơn), thủ phủ về các loại bưởi, trong đó nổi tiếng có vùng bưởi Soi Hà của huyện Yên Sơn, chúng tôi cảm thấy xót xa bởi những vườn bưởi bị chết cây, rụng quả đầy gốc. Đồng chí Lê Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, toàn xã có khoảng 370 ha bưởi bị nước làm ngập. Nhiều gia đình bị thiệt hại từ 100 - 400 triệu đồng. Như gia đình ông Trần Văn Thành, thôn Soi Hà có khoảng 1,5 ha cây bưởi thì gần 1 ha bị ngập, thiệt hại vài trăm triệu đồng.
Bà Bế Thị Hoa, thôn Soi Hà buồn rầu vì vườn bưởi năm nay mất trắng. Cái lo lắng hơn của gia đình bà Hoa cũng như các hộ khác là nhiều cây bưởi héo lá, có hiện tượng chết hàng loạt. Dù gia đình đã tìm hết cách để cứu những cây bưởi ngon có tuổi đời hàng chục năm. Giờ phải chặt bỏ, trồng gây dựng lại từ đầu cũng phải mất gần chục năm nữa mới cho đúng sản lượng như này.
Theo các chuyên gia trồng trọt, nguyên nhân của cây bưởi bị chết là do khi đất bị ngập nước rễ thiếu ô xy do đất bị nén chặt. Rễ hoạt động trong tình trạng thiếu ô xy khiến cho các đầu rễ non bị tổn thương. Nấm bệnh xâm nhập từ các đầu rễ non ăn dần lên ống hút, sau đó đến rễ cái và gây ra hiện tượng thối rễ. Cây không thể hút nước được sẽ bị héo và chết.
Tại xã Phúc Ninh đi đâu người dân cũng nói về chuyện bưởi rụng sau lũ. Là một bán đảo nằm cạnh sông Gâm, Lô trận lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại khá nặng cho xã. Đồng chí Nguyễn Tiến Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cho biết, ngoài Xuân Vân, xã Phúc Ninh cũng là vùng chuyên canh bưởi lớn của huyện Yên Sơn.
Toàn xã có trên 97 ha bưởi bị ngập nước, trong đó có 40 ha bưởi Da Xanh, 15 ha bưởi Soi Hà, trên 22 ha bưởi Diễn, 20 ha bưởi Cát Quế. Các hộ thiệt hại nặng như gia đình ông Lê Đình Hải, thôn Minh Tân khoảng 2 ha; ông Đỗ Văn Quang thôn Minh Tân khoảng 1,5 ha. Sau khi nước rút xã đã cử ngay cán bộ phụ trách mảnh nông nghiệp xuống phổ biến kỹ thuật gạt bùn, xới đất, rửa lá cho cây. Đồng thời kiểm tra, rà soát, thống kê cụ thể diện tích bưởi bị thiệt hại để báo cáo cấp trên.
Đồng chí Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành (Yên Sơn) lo lắng về mùa bưởi năm nay của bà con trên địa bàn. Xã Lực Hành giáp sông Gâm, toàn xã có 270 ha bưởi, trong đó có 41 ha bưởi bị ngập nước. Mỗi khu vườn gia đình có hàng nghìn, hàng vạn quả bưởi thối rụng, gây ô nhiễm môi trường. Cán bộ xã đã hướng dẫn bà con thu gom, chôn lấp quả rụng thối làm phân bón là tốt nhất. Hiện nay có nhiều cây bưởi ngập nhiều ngày trong nước có hiện tượng úng chết, rụng lá, đây là thiệt hại nặng nhất. Các gia đình phải chặt cây bưởi héo chết đi để trồng thay cây khác, thiệt hại về sản lượng trong nhiều năm liền.
Theo đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sau khi nước rút đi, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã nhanh chóng cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả đối với cây trồng, đặc biệt là cây bưởi. Theo đồng chí Tuyên với những vườn bưởi bị ngập úng, khi đất khô ráo cần xới nhẹ phá váng lớp đất mặt giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh dễ mới.
Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển, thực hiện phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn... tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Những cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại để phòng trừ nấm hại rễ cây. Khi bộ rễ cây đã phục hồi tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân lân, phun phân bón lá để tăng khả năng phục hồi của cây.
Thiệt hại trước mắt ai cũng có thể nhìn thấy được, thống kê được, song thiệt hại về lâu về dài cho vùng bưởi, cần nhiều năm mới khắc phục được. Trước mắt tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố bám sát địa bàn, tập trung hướng dẫn nhân dân các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Đối với những diện tích không thể khắc phục được các xã, phường, thị trấn kiểm tra xác minh, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 02 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.