Nỗ lực phủ sóng di động
Các cấp chính quyền, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư hạ tầng để mở rộng kết nối, xóa vùng 'lõm' sóng di động, đưa Internet và các dịch vụ viễn thông hiện đại đến với người dân vùng sâu, vùng xa.
Nỗ lực xóa vùng "lõm” sóng
Mô Níc là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Sơn Kỳ (Sơn Hà). Nơi đây nằm cách xa trung tâm huyện, đường sá đi lại khó khăn. Trước đây, người dân Mô Níc muốn liên lạc với mọi người qua điện thoại phải lên đồi cao để bắt sóng di động. Giờ đây, người dân trong thôn có thể dùng điện thoại di động ở bất cứ nơi đâu. Anh Đinh Văn Hoài, ở thôn Mô Níc, xã Sơn Kỳ chia sẻ, có sóng di động, tôi thường xuyên gọi điện cho các con, đứa đi làm ở Tây Nguyên, đứa đang đi học ở trung tâm huyện Sơn Hà. Nhờ có sóng di động mà công việc của tôi và người dân trong thôn thuận lợi hơn rất nhiều.
Khắc phục tình trạng “lõm" sóng di động, hoặc sóng không ổn định, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở TT&TT đã hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng thêm các trạm BTS theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông di động. Quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông đối với các thôn, xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, khắc phục tình trạng "lõm" sóng tại 11 thôn, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.730 vị trí cột thu phát sóng và hơn 3.700 trạm thu phát sóng di động (trạm BTS). Có 100% đơn vị hành chính cấp thôn đã được phủ sóng di động 2G, 3G, 4G. Mạng truyền dẫn cáp quang tới trung tâm xã đạt 100%. Hiện đã phủ sóng di động đến 100% thôn trên toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 71,3%. Một số địa phương đã triển khai thí điểm mô hình lắp đặt, cung cấp Wifi miễn phí phục vụ cộng đồng tại các nhà văn hóa, khu sinh hoạt công cộng, khu du lịch.
Toàn tỉnh hiện có 5 mạng thông tin di động đang hoạt động gồm: Vinaphone, MobiFone, Viettel, Vietnam Mobile, Gtel. Trong đó, Vinaphone, Viettel và MobiFone là 3 doanh nghiệp có thị phần lớn đang tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn. Trưởng phòng Kỹ thuật đầu tư (VNPT Quảng Ngãi) Trần Bột cho biết, đến thời điểm này, vùng phủ sóng 4G Vinaphone đã đạt hơn 98% dân số. Từ đầu năm 2024 đến nay, Vinaphone đã xây dựng phát sóng 44 trạm BTS 3G, 4G. Lũy kế đến tháng 9/2024, đã xây dựng 569 trạm BTS 3G, 4G. Kế hoạch từ nay đến cuối năm 2024, đơn vị sẽ đầu tư xây dựng thêm 56 trạm BTS 3G, 4G.
Vẫn còn khó khăn
Toàn tỉnh hiện có hơn 1,29 triệu thuê bao điện thoại; gần 1,16 triệu thuê bao Internet. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng trên 65%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt gần 71%.
Hiện nay, việc đầu tư hạ tầng viễn thông đến các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như VNPT Quảng Ngãi, qua kiểm tra, rà soát, vẫn còn 63 thôn còn “lõm” sóng di động Vinaphone. Đại diện lãnh đạo VNPT Quảng Ngãi cho biết, các thôn “lõm” sóng di động Vinaphone là khu vực thuộc địa bàn vùng núi cao, cách xa mạng lưới viễn thông hiện có, các hộ dân phân bố rải rác. Chi phí đầu tư xây dựng truyền dẫn cáp quang và cơ sở hạ tầng trạm BTS lớn. Vì vậy, VNPT Quảng Ngãi đã báo cáo Sở TT&TT để hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng cho doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2022/TT-BTTTT ngày 28/10/2022 của Bộ TT&TT về Quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quốc Huy Hoàng, xóa vùng “lõm” sóng di động là một chủ trương lớn được Bộ TT&TT triển khai nhằm mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số. Thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục rà soát lại các vùng “lõm” sóng để báo cáo, đề xuất Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chú trọng, ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông tại các vùng, khu vực còn “lõm” sóng, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển sóng di động 4G...