Nỗ lực ngăn chặn thảm họa Lebanon trở thành Gaza tiếp theo

Sáng 1/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) chính thức xác nhận, bộ binh nước này trong đêm 30/9 đã bắt đầu các cuộc đột kích giới hạn, được khoanh vùng, nhắm vào các mục tiêu và hạ tầng của Phong trào Hezbollah ở một số ngôi làng phía Nam Lebanon. Trước nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực, cộng đồng quốc tế không ngừng kêu gọi Israel và Hezbollah ngừng bắn ngay lập tức.

Mạnh mẽ phản đối chiến dịch trên bộ của Israel tại Lebanon, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn chứng kiến bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào” và “không thể để Lebanon trở thành một Gaza thứ hai”. Tương tự, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng kêu gọi Israel tránh mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ Lebanon, nhấn mạnh rằng những hành động này sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Israel tại Ain Ed Delb, Lebanon, ngày 30/9.

Cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Israel tại Ain Ed Delb, Lebanon, ngày 30/9.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hối thúc ngừng bắn tại Lebanon, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng, các hành động quân sự của Israel có thể dẫn đến xung đột leo thang hơn nữa trong khu vực. Washington kêu gọi giảm căng thẳng và thúc đẩy giải pháp ngoại giao để người dân Israel và Lebanon có thể trở về nhà sau khi bị sơ tán khỏi khu vực biên giới.

Nhật Bản và Australia cũng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về chiến dịch trên bộ của Israel tại Lebanon; kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để tránh leo thang xung đột, đồng thời yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để bảo vệ dân thường. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thậm chí còn kêu gọi Đại hội đồng LHQ khuyến nghị sử dụng vũ lực, theo Nghị quyết Đoàn kết vì hòa bình đã thông qua năm 1950, nếu Hội đồng Bảo an LHQ không ngăn chặn được các cuộc tấn công của Israel vào Gaza và Lebanon.

Về phía giới chuyên gia, họ nhận định rằng, một cuộc tấn công trên bộ có thể gây ra những rủi ro đáng kể cho Israel. Theo đó, trong tác chiến đô thị, các tác nhân phi nhà nước như Hezbollah có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho các lực lượng quân sự thông thường, khiến ngay cả các hoạt động giới hạn cũng trở nên nguy hiểm. Ngoài ra, Israel có nguy cơ phải đối mặt với tình huống tương tự như cuộc chiến đang kéo dài ở Gaza.

Họ có khả năng tự kéo mình vào một cuộc xung đột kéo dài ở Lebanon. Hơn nữa, Hezbollah nói riêng từng chứng minh cho quân đội chính quy của Israel thấy rằng, phong trào này là một lực lượng không dễ đối phó. IDF từng buộc phải rút khỏi miền Nam Lebanon vào năm 2000, trong một thất bại chưa từng có sau chiến dịch du kích kéo dài 15 năm của lực lượng này. Tiếp đó, trong Chiến tranh Lebanon năm 2006, cuộc tấn công trên bộ của Israel cũng bị chặn đứng bởi các tay súng Hezbollah đông hơn rất nhiều.

Chuyên gia về các vấn đề quốc tế và an ninh Mehmet Rakipoglu cảnh báo: “Khi chiến dịch trên bộ diễn ra, Israel có khả năng phải chịu tổn thất nặng nề. Hezbollah là một lực lượng mạnh hơn nhiều so với Hamas, cả về mặt tài chính lẫn quân sự. Và Israel có thể phải chịu thương vong đáng kể mà không thể vô hiệu hóa hoàn toàn Hezbollah”. Theo ông, Israel đang phải đối mặt với những thất bại ở Gaza, khi cố gắng giành lợi thế về mặt tâm lý bằng cách nhắm vào các thủ lĩnh kháng chiến. Những cuộc tấn công đó đã gây tổn hại đến năng lực chiến lược của họ. “Mặc dù Israel dường như được hưởng lợi từ những tổn thất của các cuộc tấn công này, nhưng chiến dịch trên bộ có thể làm gia tăng sự phản đối toàn cầu đối với Israel, đặc biệt là Tel Aviv có thể bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế bằng một cuộc tấn công vào lãnh thổ có chủ quyền của Lebanon”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cuộc xung đột với Hezbollah không chỉ có ý nghĩa về mặt an ninh, mà còn tác động lớn đến chính trị nội bộ của Israel. Hồi tuần trước, sau khi “bật đèn xanh” cho nỗ lực hòa giải do Mỹ hậu thuẫn với Lebanon, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ các đồng minh cánh hữu của mình, những người nói rằng chỉ có giải pháp quân sự mới có thể loại bỏ Hezbollah khỏi biên giới.

Đảng của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir đã tổ chức một cuộc tham vấn khẩn cấp - ngầm đe dọa sẽ lật đổ liên minh cầm quyền do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu. Những lời chỉ trích đã buộc ông Benjamin Netanyahu phải đưa ra một tuyên bố bác bỏ ý tưởng về một lệnh ngừng bắn sắp xảy ra. Nhưng sau đó ông đưa ra một tuyên bố khác nói rằng mình đang tham gia vào quá trình này với Mỹ. Không chỉ có vấn đề Hezbollah, nội các Israel còn đối mặt với sự phân hóa nghiêm trọng liên quan đến các quyết định về cải tổ tư pháp và nghĩa vụ quân sự của cộng đồng Do Thái chính thống (Haredim).

Các đảng phái trong nhóm này, vốn là thành viên quan trọng trong liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đang yêu cầu miễn trừ quân sự cho Haredim – một yêu cầu gây tranh cãi và có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ nếu không được đáp ứng. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cùng với nhiều chỉ huy quân sự khác, phản đối việc miễn trừ quân sự cho Haredim, nói rằng mọi công dân Israel đều phải chia sẻ trách nhiệm quân sự.

Ngoài ra, cuộc chiến ở Gaza cũng gây thêm áp lực cho Chính phủ Israel. Gia đình của hơn 100 người Israel bị bắt làm con tin tại Gaza liên tục cáo buộc chính phủ “câu giờ” trong các cuộc đàm phán nhằm giải cứu con tin. Khi tấn công Hezbollah, Chính phủ Israel đang tìm cách “tách” Lebanon khỏi Gaza. Hezbollah nói rằng họ đang tấn công Israel để thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine ở Gaza; Israel muốn Hezbollah ngừng bắn ngay cả khi không có lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận con tin.Tuy nhiên, có một giả định rộng rãi trong giới an ninh quốc gia ở Israel rằng, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang kéo dài cuộc chiến ở Gaza vì ông biết rằng ngay khi nó kết thúc, ông sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn về tổ chức bầu cử. “Tôi nghĩ rằng, chủ yếu là do chính trị. IDF và Bộ trưởng Quốc phòng đã nói rõ rằng, họ cảm thấy tình hình ở Gaza có thể cho phép thỏa thuận con tin và họ ủng hộ thỏa thuận con tin”, ông Eyal Hulata, thành viên cấp cao tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ và là cựu Cố vấn An ninh quốc gia của Thủ tướng Israel nhận định khi nói về việc không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Như vậy, cuộc xung đột với Hezbollah không chỉ làm gia tăng vấn đề an ninh tại biên giới Israel-Lebanon mà còn đẩy chính trường Israel vào tình trạng căng thẳng. Trong bối cảnh này, tương lai của Israel không chỉ phụ thuộc vào việc giải quyết các xung đột bên ngoài, mà còn vào khả năng giữ vững liên minh cầm quyền và giải quyết các bất đồng nội bộ.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/no-luc-ngan-chan-tham-hoa-lebanon-tro-thanh-gaza-tiep-theo-i745857/
Zalo