Nỗ lực ngăn chặn hiểm họa từ vật liệu nổ đối với học sinh

Những ngày cận tết Nguyên đán, liên tục các vụ việc học sinh tự chế pháo gây nổ xảy ra khắp cả nước khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Các vụ tai nạn này đều để lại hậu quả đau lòng, nhẹ thì gây thương tích, nặng thì tử vong.

Còn nhớ năm 2000, một vụ tai nạn bom mìn xảy ra ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh khiến hai đứa trẻ tử vong tại chỗ. Người sống sót duy nhất trong vụ nổ đó là Hồ Văn Lai (sinh năm 1990), bị thương tật với tỉ lệ 85%. Sau khi vụ việc xảy ra, phóng viên Báo Quảng Trị đã gặp gỡ nhân vật này và viết bài báo “Mong chiến tranh đừng ám ảnh đời con”, đạt giải báo chí viết về trẻ em năm đó.

Đến nay, hơn 50 năm sau chiến tranh, nhiều địa phương vẫn rất nỗ lực trong việc rà phá bom mìn còn sót lại dưới lòng đất để đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân. Việc dọn sạch bom mìn trong đất có những thời điểm được coi là “cuộc chiến” bởi khối lượng bom mìn sót lại sau chiến tranh quá nhiều và sự nguy hiểm của công việc này.

Một con số thống kê cho thấy, từ năm 1975 đến nay, bom mìn và vật liệu nổ đã gây thương vong cho hơn 8.540 người (3.432 người chết), trong đó trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 31%. Quảng Trị là địa phương có tỉ lệ đất đai bị ô nhiễm bom mìn rất lớn. Để đạt được mục tiêu sau năm 2025 sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn”, không chịu tác động của bom mìn và vật nổ sót lại sau chiến tranh, từ năm 2022 - 2025, bình quân mỗi năm Quảng Trị phấn đấu rà phá được khoảng 3.000 ha đất ô nhiễm bom mìn.

Tỉnh cũng đã vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khoảng 10 triệu đô la Mỹ/năm để khắc phục hậu quả bom mìn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng tránh bom mìn và vật liệu nổ.

Anh Hồ Văn Lai nói trên giờ đã là nhân viên Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của Dự án RENEW/NPA. Công việc của anh tại đây là chia sẻ với mọi người về nỗi đau chiến tranh giữa thời bình để từ đó lên tiếng cảnh báo mọi người hãy tránh xa những vật liệu nổ nguy hiểm này. Ở nhiều nơi trong cả nước, hoạt động tuyên truyền, phòng tránh về tai nạn bom mìn, vật liệu nổ cũng được đẩy mạnh.

Nhờ đó, những tiếng nổ do bom mìn sót lại từ chiến tranh đã thưa dần nhưng hiểm họa từ vật liệu nổ thì vẫn còn ám ảnh số phận của biết bao đứa trẻ. Nhất là những năm gần đây, tình trạng thương vong trong lứa tuổi học sinh do vật liệu nổ gây ra rất đáng báo động. Điều này cho thấy, cuộc chiến dọn sạch vật liệu nổ không chỉ từ sâu dưới lòng đất mà hiện diện khắp nơi trong cuộc sống.

Vào ngày 27/12, một học sinh lớp 9 ở TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương mua hỗn hợp trên mạng về chế tạo pháo tại nhà rồi đưa ra bờ kênh thử. Pháo phát nổ khiến học sinh này bị dập nát bàn tay. Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong một tháng đã tiếp nhận 4-5 trường hợp học sinh bị tai nạn do pháo nổ. Đa số các trường hợp bị tổn thương rất nặng ở hai bàn tay như bị mất 3-4 ngón tay, cụt tay...

Chỉ riêng ngày 14/12, bệnh viện này tiếp nhận 3 trường hợp đa chấn thương do nổ pháo tự chế, trong đó có 1 em bị giập nát ngón tay. Còn tại tỉnh Gia Lai, ngày 8/12, một học sinh lớp 8 do chế tạo pháo phát nổ nên bị chấn thương nặng, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Tại tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 15- 19/12, lực lượng công an phát hiện 12 vụ, 57 trường hợp học sinh chế tạo pháo nổ; thu giữ 27,3 kg hóa chất dùng chếtạo pháo; 0,41 kg thuốc nổ đã trộn; 294 quả pháo tự chế... Thử hỏi với nguyên liệu này, nếu cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện, thu giữ, trong quá trình chế tạo, sử dụng, nếu chẳng may xảy ra nổ thì hậu quả sẽ như thế nào?

Việc phát hiện, ngăn ngừa tình trạng mua bán, chế tạo trái phép vật liệu nổ gian nan không kém chiến dịch làm sạch bom mìn trong lòng đất. Bởi lẽ, nguyên liệu để chế tạo pháo rất dễ mua, chủ yếu là các hóa chất và vật tư lưỡng dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày như lưu huỳnh, phốt pho, magie, carbon...

Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bản tính tò mò, thích khám phá khiến các em không hề ý thức được sự nguy hiểm đối với bản thân và những người xung quanh. Mạng xã hội lại tràn ngập video hướng dẫn cách làm pháo tự chế. Để dọn sạch những hướng dẫn “chết người” này, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bóc gỡ nhiều đường link liên quan. Tuy nhiên, gỡ bỏ được đường link này thì đường link khác mọc lên. Để an toàn hơn, các đối tượng chuyển sang lập nhóm kín hoặc các nhóm hoạt động theo vùng miền nhằm tiếp tục trao đổi và hướng dẫn “khách hàng”. Do đó, bên cạnh việc bóc gỡ đường link, cơ quan chức năng cần triển khai các biện pháp toàn diện hơn để ngăn chặn triệt để hoạt động hướng dẫn sản xuất pháo tự chế trên không gian mạng.

Những vụ nổ pháo không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, mà còn để lại di chứng nặng nề về tâm lý, gánh nặng tài chính cho nạn nhân cùng gia đình. Đau lòng hơn khi học sinh vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân trong các vụ việc trên. Trong khi ngày càng có nhiều mối nguy mới, phức tạp và khó lường thì giải pháp hiệu quả nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Hiện nay, nhiều trường học trong cả nước cho học sinh viết cam kết không tham gia chế tạo, tàng trữ hàng cấm là pháo nổ trái phép.

Trong công tác tuyên truyền, nhà trường cần cung cấp kiến thức cần thiết giúp học sinh nhận thức được việc chế tạo, sản xuất, sử dụng vật liệu nổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự. Phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý, giám sát con em mình, đồng thời chú ý đến những dấu hiệu bất thường của con khi ở nhà để kịp thời ngăn chặn hành vi ln lt mua tiền chất thuốc nổ, ch to pho.

Sự quan tâm, nhắc nhở kịp thời từ cha mẹ, thầy cô hôm nay có thể cứu lấy những sinh mạng vào ngày mai.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/no-luc-ngan-chan-hiem-hoa-tu-vat-lieu-no-doi-voi-hoc-sinh-190845.htm
Zalo