Nỗ lực học thật giỏi là chìa khóa để cải thiện cuộc sống

Phạm Ánh Dương (sinh năm 2003) là sinh viên năm 3 ngành Báo chí Chất lượng cao Thông tư 23, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từng là một cô gái e dè, ngại đám đông, xuất thân từ một gia đình tiểu thương ở chợ, nay Dương đã tự tin bước ra khỏi vùng an toàn, rạng rỡ với thành tích học tập và ngoại khóa ấn tượng.

Mình sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở chợ Đồng Xuân. Từ khi còn chưa trở thành sinh viên đại học, bố mẹ đã luôn muốn mình theo học ngành sư phạm và trở thành giáo viên để sớm có được công việc ổn định. Mình ý thức được rằng niềm mong mỏi này xuất phát từ tình yêu thương bao bọc của gia đình, song mình cũng sớm nhận thấy nghề giáo không phải nghề mà mình yêu thích. Mình ham mê được lăn xả, tiếp xúc và viết về những con người mình gặp trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi điền nguyện vọng xét tuyển Đại học, mình đã đưa ra một quyết định khá liều lĩnh: làm trái lời khuyên của gia đình và chọn đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí Chất lượng cao Thông tư 23 của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Và rồi mình đã thành công đỗ vào ngành học đó.

Phạm Ánh Dương là sinh viên ngành Báo chí Chất lượng cao Thông tư 23, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phạm Ánh Dương là sinh viên ngành Báo chí Chất lượng cao Thông tư 23, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mình nhớ khi biết tin mình đỗ, thay vì chúc mừng, mẹ mình đã nảy ra hoài nghi: "Làm báo khổ lắm, con theo được không?". Tuy nhiên, chính sự hoài nghi ban đầu ấy của mẹ lại trở thành động lực thúc đẩy mình càng phải cố gắng chứng tỏ bản thân để nhận được sự công nhận của gia đình.

Dẫu quyết tâm là vậy, nhưng quãng thời gian khi mới bước chân lên Đại học quả thật không dễ dàng. Vào thời điểm mình nhập học, cả nước vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội. Mình đã trải qua lễ khai giảng và kỳ học đầu tiên ở trường Đại học một cách nhàm chán thông qua chiếc màn hình laptop. Việc kinh doanh cửa hàng của gia đình mình cũng bị đình trệ do COVID-19 trong khi học phí hệ Chất lượng cao của mình lại rất đắt đỏ. Đó là chưa kể đến căn bệnh thận mà bố mình mắc phải cũng tốn không ít tiền để điều trị. Những điều này khiến mình cảm thấy áp lực, như thể có triệu tảng đá đè lên vai.

Đến kỳ 2 năm nhất, lệnh giãn cách được dỡ bỏ. Lúc này, mình càng cảm thấy không thể để lãng phí thêm một phút giây nào nữa. Mình chọn vừa đi làm, vừa tham gia câu lạc bộ ở trường, vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa khác của khoa ngay từ năm nhất. Nhìn lại, mình vẫn cho rằng quyết định năm đó là hoàn toàn đúng đắn. Mình có môi trường để phát triển, thu nhập nhỏ của riêng bản thân, mối quan hệ bạn bè cũng được mở rộng và mình dần thoát khỏi sự e dè, ngại ngùng, thiếu tự tin trước đây. Đồng thời, mình cũng được tin tưởng và được trao những vị trí lớn: chuyên viên, thành viên ban tổ chức của các chương trình trong và ngoài nhà trường: Hành Trình Đỏ Thủ Đô 2022, Festival Nghĩa Tình Mùa Thu 2022, Festival Nghĩa Tình Mùa Thu 2023, Festival Báo chí Nhân văn 2022, Nắng Hồng Nhân văn XIV, Nắng Hồng Nhân văn XV, Tứ Hùng Cup 2022, SJC Open Cup 2024,...

Tuy nhiên, mình vẫn tuân thủ một nguyên tắc: Luôn phải ưu tiên việc học lên đầu. Đối với mình, chỉ có nỗ lực học thật giỏi mới có thể cải thiện cuộc sống. Mình không bao giờ để việc làm thêm và tham gia hoạt động ngoại khóa ảnh hưởng quá nhiều đến việc học. Có lẽ chính vì vậy mà điểm tích lũy của mình từ kỳ 2 năm nhất đến giờ vẫn duy trì xếp loại xuất sắc. Mình cũng từng thành công chinh phục học bổng khuyến khích học tập loại A của trường và sử dụng một phần số tiền học bổng để đóng học phí, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Khoảnh khắc mà mình có thể tự tin nói với mẹ: "Không cần chuyển học phí cho con đâu. Con sẽ dùng tiền học bổng của con để đóng" có lẽ là một trong những phút giây khiến mình tự hào về bản thân nhất. Gần đây nhất, mình cũng được vinh dự nhận bằng khen Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2023 từ Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

Hiện tại, công việc mơ ước của mình là được làm việc trong môi trường báo chí, nơi mình có thể sử dụng ngòi bút của mình để truyền tải những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Mình biết rằng mục tiêu này không dễ dàng thực hiện, nhưng mình vẫn muốn sử dụng quãng thời gian tuổi trẻ quý báu này để nỗ lực trau dồi bản thân, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng cho những cơ hội. Dù con đường phía trước đối với mình còn có nhiều khó khăn và thử thách, nhưng với ý chí quyết tâm học thật giỏi và tham gia các hoạt động có trải nghiệm tích lũy vốn sống và nhiều kỹ năng để phát triển đam mê, vững vàng bước tiếp trên con đường mình đã lựa chọn.

Tú Chân (Ghi)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/no-luc-hoc-that-gioi-la-chia-khoa-de-cai-thien-cuoc-song-post1651563.tpo
Zalo