Nỗ lực hoàn thiện hệ thống giao thông
Dự án cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và dự án đường cao tốc An Hữu-Cao Lãnh nối Tiền Giang và Đồng Tháp là những công trình trọng điểm của quốc gia, có tổng mức đầu tư lớn nhằm hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần đưa kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững.
Để bảo đảm tiến độ đề ra, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra tại các công trường để đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hơn nữa nhưng chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Trên công trường, lực lượng kỹ sư, công nhân, người lao động tại các dự án triển khai nhiều mũi thi công, quyết tâm hoàn thành dự án đúng theo thời gian dự kiến.
Tăng tốc trên công trường
Dự án cầu dây văng Rạch Miễu 2 có chiều dài hơn 1,9 km, tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang), điểm cuối tại Km16+660 (tỉnh Bến Tre). Thời điểm cuối năm này, trên công trường cầu Rạch Miễu 2, chủ đầu tư đang dốc toàn lực thi công, phấn đấu hợp long vào dịp 30/4/2025, đến tháng 8/2025 hoàn thành 100% đường dẫn và cuối tháng 10/2025 hoàn thành toàn bộ dự án. Các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và công nhân đều được huy động ra công trường, tất cả hối hả triển khai những phần việc của mình, sớm đưa dự án “về đích” đạt và vượt tiến độ.
Ông Nguyễn Nam Phong, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Rạch Miễu 2 (thuộc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) cho biết: “Ở đây, bất kể ngày hay đêm, lực lượng kỹ sư, công nhân, người lao động đều làm việc trên công trường. Các nhà thầu huy động hơn 500 công nhân và 83 cán bộ kỹ thuật, triển khai thi công “ba ca, bốn kíp” với khoảng 32 mũi thi công, cùng 147 thiết bị hiện đại. Tất cả cùng quyết tâm hoàn thành dự án như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Giao thông vận tải tại các đợt kiểm tra dự án và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ”.
Anh Nguyễn Văn Minh, công nhân tại gói thầu XL02 tâm sự: “Năm nay thời tiết thất thường, mưa bão, áp thấp liên tục. Tuy vậy, chúng tôi luôn tranh thủ từng giờ, từng phút thi công để bám sát tiến độ. Với nỗ lực của tất cả mọi người, chúng tôi hy vọng công trình cầu Rạch Miễu 2 sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng và đáp ứng được mong mỏi của người dân”.
Anh Đỗ Mạnh Đạt, quê huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đang thi công nhịp chính cầu Rạch Miễu 2 chia sẻ: “Tôi theo dự án từ khi khởi công đến nay. Khối lượng công việc còn rất lớn, nên chúng tôi chia ca kíp, cố gắng đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào hoạt động. Dự kiến Tết Nguyên đán 2025, tôi sẽ tranh thủ về quê 1-2 ngày rồi lại tiếp tục quay vào công trường làm việc. Đa số công nhân ở đây xa quê, nhưng nhiều người tình nguyện ở lại công trình làm việc xuyên Tết”.
Với quyết tâm cao độ của các địa phương, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn thành 100%. Trong đó, phía Tiền Giang bàn giao 9,65 km, phía Bến Tre bàn giao 7,95 km. Kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 của dự án đến nay đạt hơn 830/900 tỷ đồng, tương đương 92%.
Theo ông Nguyễn Nam Phong, đến nay, tiến độ tổng thể dự án đã đạt hơn 72%, vượt kế hoạch gần 1%; riêng hạng mục cầu chính vượt tiến độ hơn 17%.Phần cầu chính đã hoàn thành 100% thân trụ tháp P19 và P20 vào ngày 24/10/2024. Mặt cầu đã hoàn thành đúc các khối dầm đến K5 (gồm 14 khối) tại trụ dây văng P19 và P20; đang lắp đặt, căng 56/112 bó cáp dây văng và lắp đặt cốt thép khối dầm K6. Phần đường dẫn hai đầu cầu đã triển khai thi công khoảng 14 km và tiến hành thảm lớp bê-tông nhựa theo từng phân đoạn thuộc địa phận tỉnh Bến Tre từ ngày 9/12/2024.
Rốt ráo chuẩn bị vật liệu đắp nền
Dự án đường cao tốc An Hữu-Cao Lãnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, gồm hai dự án thành phần. Tại dự án thành phần 1, tuyến đường dài khoảng 16 km, tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2, tuyến đường dài khoảng 11,45 km, tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Giai đoạn 1 thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2027, quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m.
Những ngày cuối năm, các mũi thi công dự án trải dài trên công trường toàn tuyến, mũi ép cọc nhồi mố cầu, mũi đào đắp nền đường, vận chuyển nguyên vật liệu, tất cả đều rất hối hả. Khối lượng công việc của dự án hiện tại còn rất lớn, vì vậy, để bảo đảm tiến độ, các nhà thầu đã huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện thi công ngày đêm nhằm rút ngắn thời gian. Ông Vũ Đình Tuấn, Phó Giám đốc điều hành gói thầu thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (đứng đầu liên danh nhà thầu) cho biết: “Hiện nay, nhà thầu đã huy động 130 máy móc, thiết bị hiện đại; 250 công nhân, 67 cán bộ chỉ huy và kỹ thuật túc trực tại công trường, thi công liên tục 24/7.
Trong khi chờ nguồn cát san lấp, đắp nền đường, các nhà thầu chuyển hướng triển khai thi công các công trình cầu trên tuyến chính. Khi có nguồn cát, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động thêm máy móc, thiết bị và nhân lực để công trình hoàn thành sớm nhất. Tết Nguyên đán sắp tới, các nhà thầu, trong đó có Trường Sơn hầu hết đều đăng ký ở lại công trường, tập trung cao độ nhân lực, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ công trình”.
Dự án này có tổng diện tích đất thu hồi khoảng 83,4 ha; trong đó, tỉnh Tiền Giang khoảng 55 ha và Đồng Tháp gần 28,4 ha. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết: Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 680 hộ; trong đó, gần 480 hộ thuộc tỉnh Tiền Giang và 203 hộ tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp đã chuẩn bị triển khai hai khu tái định cư mới và sử dụng khu tái định cư đã có sẵn để bố trí cho các hộ; tỉnh Tiền Giang cũng đang xây dựng một khu, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025 tới đây.
Tổng kế hoạch vốn giao dự án đến nay hơn 2.000 tỷ đồng, giải ngân đạt gần 99,2%. Trong đó, năm 2024 vốn giao khoảng 1.500 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 98,85%. Phần cầu đã tiến hành đóng cọc thử và đang đóng cọc đại trà, giá trị hoàn thành đến ngày 9/12/2024 đạt 5,8% giá trị xây lắp.
Liên danh nhà thầu đã hoàn thành khảo sát bổ sung và đang tiếp tục lập thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục tiếp theo. Hiện tại, trong diện tích mặt bằng đã bàn giao, vẫn còn sót lại một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời, một số hộ dân chưa đồng thuận phương án đền bù, có hành vi cản trở đơn vị thi công.
Về nguồn vật liệu, tổng nhu cầu cát đắp nền và gia tải cho dự án đường cao tốc An Hữu-Cao Lãnh giai đoạn 1, thành phần 2 theo tính toán lên khoảng 1,57 triệu m3. Hiện tại, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất cung cấp 300.000 m3 cát để thi công dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đối với các mỏ cát của tỉnh Tiền Giang, nhà thầu cũng đang khẩn trương phối hợp các cơ quan chuyên môn hoàn tất thủ tục cấp mỏ khai thác và đang chờ phê duyệt trữ lượng mỏ. Trong thời gian tới, nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với nhà thầu hoàn tất hồ sơ, thủ tục theo cơ chế đặc thù, sớm khai thác các mỏ cát được giao; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp xúc tiến hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng, góp phần bảo đảm tiến độ chung.