Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số

Ngày 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, 9 tháng đầu năm, tỉnh thực hiện đạt một số kết quả quan trọng về CĐS. Đối với chính quyền số, về hạ tầng số tiếp tục được củng cố và nâng cấp đáp ứng yêu cầu CĐS của tỉnh; các hệ thống thông tin phục vụ nội bộ cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp được duy trì ổn định. Đến tháng 9/2024, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh cung cấp được 841 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình (đạt 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình), 561 DVCTT một phần (đạt 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến một phần). Hầu hết các TTHC đủ điều kiện đều được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình giúp cho người dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thực hiện TTHC.

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đến nay, đã tích hợp tổng cộng 1.713 dịch vụ công trực tuyến. Kho dữ liệu cá nhân được triển khai trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC, phục vụ cho việc số hóa thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC, giúp người dân, doanh nghiệp tái sử dụng cho những lần thực hiện TTHC tiếp theo.

Đối với kinh tế số, Đồng Tháp bước đầu khai thác nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến của người dân (VNForm) do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai để khảo sát, thu thập ý kiến của người dân và doanh nghiệp trong quá trình trải nghiệm TTHC trên môi trường mạng. Hơn 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được duy trì kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Postmart, Tik Tok. Triển khai mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”.

Đến nay, tỉnh thu hút 11 doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, CĐS đặt trụ sở làm việc hoặc văn phòng đại diện trong không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Một số doanh nghiệp từng bước ứng dụng các hệ thống thông minh trong quá trình hoạt động, sản xuất.

Về xã hội số, đến nay, toàn tỉnh có trên 83,66% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định; hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 90,76%; hơn 1,9 triệu thuê bao điện thoại cố định và di động; hơn 1.450.000 thuê bao Internet; 100% khóm, ấp có đường truyền Internet cáp quang FTTx; 88/143 đài truyền thanh (đạt tỷ lệ 62%) chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đến nay, toàn tỉnh có 684 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp khóm, ấp và 82 Tổ cấp xã, phường.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp có 16/46 vượt chỉ tiêu; 15/46 chỉ tiêu đạt; chưa đạt có 12/46 chỉ tiêu; 3 chỉ tiêu chưa có cơ sở đánh giá. So với chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch CĐS năm 2024, có 14/46 vượt chỉ tiêu; đạt 15/46 chỉ tiêu; duy trì 1/46; chưa đạt có 10/46 chỉ tiêu; 6 chỉ tiêu chưa có cơ sở đánh giá.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành trong thực hiện CĐS với một số kết quả tích cực. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo cần rà soát, chủ động tháo gỡ khó khăn, phấn đấu, nỗ lực hơn trong công tác CĐS để đạt các chỉ tiêu đề ra, nhất là 3 lĩnh vực trọng tâm. Bên cạnh đó, đối với các mô hình CĐS cần quan tâm theo dõi, đánh giá từ thực tế để tiếp tục nhân rộng, phát triển. Các ngành cần triển khai thực hiện các dự án đầu tư về CĐS đúng tiến độ, tích hợp vào các chương trình trọng tâm của tỉnh. Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ CĐS của các ngành, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần thúc đẩy CĐS nhanh, hiệu quả hơn…

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chuyen-doi-so/no-luc-hoan-thanh-cac-chi-tieu-chuyen-doi-so-125841.aspx
Zalo