Nỗ lực giúp người dân ổn định cuộc sống sau bão, lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số khu vực trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng bởi tình trạng ngập lụt. Nhiều nhà cửa, hoa màu, công trình công cộng, nhà dân… bị thiệt hại nặng nề. Để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống sau bão, lũ, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt. Trong thiên tai, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự cố kết cộng đồng và tình người được lan tỏa ấm áp, sẻ chia.
Sáng 15/9, nhiều xã, phường trên địa bàn thành phố Nam Định ngập tràn màu áo xanh tình nguyện. Để hỗ trợ người dân các vùng bị ngập lụt trên địa bàn thành phố, dịp này Tỉnh Đoàn huy động 250 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thuộc Đoàn các trường đại học, THPT như: Đại học Điều Dưỡng Nam Định, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định và Trường THPT Trần Văn Lan xuống các xã Mỹ Tân, phường Nam Phong, phường Lộc Hạ khắc phục hậu quả sau bão. Cụ thể, ĐVTN đã chia làm 3 tổ xung kích gồm: 150 sinh viên trường Đại học Điều dưỡng và Trường THPT Trần Văn Lan xuống xã Mỹ Tân; 50 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định xuống phường Lộc Hạ; 50 sinh viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp về phường Nam Phong giúp người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, quét dọn, vận chuyển đồ đạc...
Ngay khi hoàn lưu bão gây ngập lụt ở một số thôn, xóm xã Mỹ Tân, gia đình bà Bùi Thị Thơi, đội 4 Hồng Hà đã được chính quyền vận động, hỗ trợ di dời. Sau mấy ngày “tạm” xa nhà, sáng 15/9 gia đình bà đã trở về và bắt đầu tiến hành việc dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, bà Thơi không mất quá nhiều thời gian dọn nhà do được lực lượng thanh niên giúp sức. Mỗi người một tay, họ giúp bà quét dọn bùn đất trong nhà, vận chuyển đồ đạc, kê lại bàn ghế, giường, tủ. “Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thanh niên tình nguyện, gia đình tôi cơ bản đã dọn dẹp xong. Nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, chúng tôi sẽ nhanh chóng bắt tay vào sản xuất, trồng cấy, ổn định cuộc sống”, bà Thơi chia sẻ.
Theo số liệu thống kê, tổng giá trị thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính gần 565 tỷ đồng. Trước thiệt hại của bão, lực lượng chức năng tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác khắc phục. Theo đó, ngay sau khi nước lũ rút dần, ở các địa phương chịu ảnh hưởng bão số 3, ngoài thực hiện các biện pháp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu trùng khử độc, phòng, chống dịch bệnh, ổn định cuộc sống, sớm đưa mọi hoạt động trở lại bình thường. Cùng với đó, tỉnh tập trung sửa chữa, khắc phục nhanh hệ thống giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, đặc biệt là các trường học, cơ sở y tế, không để dịch bệnh phát sinh. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Để kịp thời khắc phục hậu quả sau bão số 3, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các phường, xã tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại; xử lý môi trường quanh những khu vực có người dân sinh sống; tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông, các tuyến đường bị ngập; khắc phục hệ thống điện lưới; hệ thống thông tin liên lạc, internet, bảo đảm thông tin thông suốt, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, sản xuất và sinh hoạt của người dân...
Tại xã Phương Định (Trực Ninh) - một trong những điểm bị ngập lụt nặng trên địa bàn tỉnh, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, máy móc… khắc phục hậu quả sau bão.“Chúng tôi đã huy động các lực lượng như: Phụ nữ, Thanh niên, Quân sự… khẩn trương thực hiện công tác dọn vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa đồ đạc bị hỏng hóc… do mưa bão.
Từ đêm 14/9, hệ thống điện trong xã đã được khắc phục và đóng điện. Sau khi nước rút hết, xã tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng, ban, ngành, đoàn thể xử lý môi trường, phun khử khuẩn, tránh để các loại dịch bệnh xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân”, đồng chí Nguyễn Minh Khâm, Chủ tịch UBND xã cho biết.
Chung tay cùng nhân dân khắc phục hậu quả ảnh hưởng bão Yagi, đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phần việc cụ thể, thiết thực như: Thăm, tặng hàng nghìn suất quà người dân các vùng bị ảnh hưởng bão; dọn vệ sinh môi trường... Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: “Thời điểm nước rút cũng chính là lúc người dân ở các vùng bị ngập lụt phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải còn tồn đọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Để góp phần đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, hiện 100% các cơ sở Hội đã ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống, rãnh, kênh mương; thu gom rác thải”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm, mạnh thường quân, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân… công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn tỉnh được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt và tái thiết cuộc sống sau bão, lũ.