Nỗ lực giữ ổn định lãi suất
Trong bối cảnh nợ xấu tăng, đồng USD vẫn giữ giá cao trên thị trường, bài toán đặt ra là các ngân hàng giảm lãi suất gắn với việc giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, chia sẻ lợi nhuận.
Duy trì lãi suất ổn định hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Trong công điện gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng yêu cầu cơ quan này thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động và có thể xử lý vi phạm bằng biện pháp hạn mức tín dụng hoặc thu hồi giấy phép.

Ảnh minh họa
Chỉ đạo của Thủ tướng về việc duy trì lãi suất thấp diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu năm nay. Việc giữ mặt bằng lãi suất thấp là điều kiện giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên theo kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng cũng nhắc NHNN giám sát chặt việc công bố, minh bạch lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong tháng 1/2025, đã có 12 ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động tăng từ 0,1 - 0,9%. Sang tháng 2, xu hướng này tiếp điển khi gần 10 ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất, chủ yếu ở các kỳ hạn dài, trong khi lãi suất kỳ hạn ngắn vẫn giữ ổn định. Không chỉ tăng lãi suất, nhiều ngân hàng còn tung ra các chính sách ưu đãi để hút vốn.
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, nhất là những ngân hàng nhỏ, lãi suất huy động đã nóng lên sau Tết với mức tăng từ 0,2-0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 12 tháng ở quanh mức 6%/năm. Cá biệt có một số ngân hàng niêm yết mức 6,3%/năm như MSB; Kiên Long Bank là 6,1%/năm…
Đặc biệt, mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện lên đến 9%/năm, nhưng khách hàng phải gửi với số tiền rất lớn. Như PVcomBank áp dụng 9%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng, với món tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. HDBank áp dụng 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng cũng yêu cầu số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
Lãi suất huy động xu hướng tăng phản ánh áp lực từ cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Trong bối cảnh tín dụng được dự báo tăng trưởng mạnh, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục cạnh tranh huy động vốn. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của hệ thống đã lên mức trên 4,55%, đẩy chi phí dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng tăng cao, đặc biệt, nếu quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ hết hiệu lực thì nợ xấu sẽ bộc lộ và chi phí dự phòng buộc phải tăng cao. Đến cuối quý III/2024, nhiều ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng rủi ro ở mức 30 - 40% so với cuối năm trước, thậm chí có một số ngân hàng ghi nhận mức tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, áp lực tỷ giá và lạm phát từ phía thị trường quốc tế vẫn hiện hữu gây áp lực lên lãi suất trong nước.
Gỉam lãi suất cho vay bằng cách nào?
Mặc dù chịu áp lực từ lãi suất huy động, nhưng theo các chuyên gia, các ngân hàng vẫn có cơ sở để duy trì hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay nhờ vào chính sách điều hành của NHNN thông qua các công cụ như tái cấp vốn và ổn định lãi suất điều hành, qua đó giúp giảm chi phí vốn cho ngân hàng. Sự ổn định của giá vốn bình quân giúp các ngân hàng duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý. Mặt khác, với chiến lược duy trì thị phần, các ngân hàng, nhất là ngân hàng lớn, tiềm lực tài chính vững mạnh, sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để hỗ trợ khách hàng, giữ vững thị phần và đảm bảo tăng trưởng dài hạn.
Đại diện Agribank cho biết, trong thời gian vừa qua, có thời điểm Agribank điều chỉnh tăng lãi suất niêm yết kỳ hạn ngắn nhưng lãi suất huy động vốn bình quân của đơn vị vẫn giảm do đã thực hiện cơ cấu tăng tỷ trọng nguồn vốn kỳ hạn ngắn hạn. Không chỉ giảm chi phí đầu vào, Agribank sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết giảm chi phí khác: tập trung thu hồi nợ xấu, khai thác và quản lý tài sản hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, kiểm soát chặt chẽ chi phí thường xuyên… để dành nguồn lực, điều kiện tối đa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc ACB Nguyễn Thành Long cho biết, thời điểm cuối năm 2024, lãi suất cho vay mới bình quân tại ACB ở mức 6,62%, giảm 1,14% so với cuối năm 2023. Để đạt được kết quả trên, ACB nỗ lực thực hiện tiết giảm chi phí đầu vào, bao gồm giảm lãi suất huy động bình quân và cân đối phù hợp dòng tiền giữa nhu cầu nguồn, sử dụng nguồn nhằm tối ưu hóa chi phí vốn. Bên cạnh đó, ACB cũng tập trung tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm dư địa hỗ trợ giảm lãi suất cho vay cho khách hàng.
BIDV cũng cho biết, sẽ thực hiện quản trị thông minh, xây dựng ngân hàng thông minh, nâng cao nguồn nhân lực… tiết giảm chi phí để giảm lãi suất.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh hiện nay, không có kênh đầu tư hay dòng vốn nào đủ mạnh để tạo ra áp lực cạnh tranh lớn lên tiền gửi tiết kiệm. Do đó, lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì ổn định trong thời gian tới, không có biến động lớn.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, nhất là những ngân hàng nhỏ, lãi suất huy động đã nóng lên sau Tết.
Theo thống kê mới nhất từ NHNN, tính đến tháng 11/2024 tổng tiền gửi của dân cư đã chính thức vượt 7 triệu tỷ đồng, tăng 7,16%, tương ứng với 467.549 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đối với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi đạt 7,26 triệu tỷ đồng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay...
Chung quan điểm, TS Võ Trí Thành nhận định, lãi suất cho vay sẽ duy trì ổn định trong năm 2025, phù hợp với định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Với sự dồi dào của room tín dụng trong thời gian qua, sự cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng sẽ giúp lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp. Các ngân hàng có thể phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận để giữ mặt bằng lãi suất cho vay đủ hấp dẫn với các lĩnh vực kinh doanh có tính sinh lời bền vững.
NHNN cho biết, sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đáng chú ý, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung thực hiện tốt các chương trình tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Về nợ xấu, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.