Nỗ lực điều chỉnh mức sinh thay thế phù hợp

Với mục tiêu phấn đấu đạt mức sinh thay thế và giữ vững mức sinh đồng đều giữa các vùng, địa phương, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương ở Quảng Trị đã nỗ lực và phối hợp chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả 'Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030' trên địa bàn tỉnh.

Ký cam kết tại lễ phát động xây dựng mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên ở thôn Vực Leng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông)- Ảnh: DSĐK

Ký cam kết tại lễ phát động xây dựng mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên ở thôn Vực Leng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông)- Ảnh: DSĐK

Theo công bố của Bộ Y tế về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025, Quảng Trị là một trong 33 tỉnh, thành phố nằm trong vùng mức sinh cao. Để điều chỉnh mức sinh thay thế phù hợp, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, chương trình truyền thông dân số và chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, các đối tượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025; HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết 45/2020/NQ-HĐND, ngày 23/7/2020 về chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó có các chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh như: tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ, chính sách khuyến khích xây dựng mô hình thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên, miễn phí phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ KHHGĐ.

Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, lồng ghép nội dung của chương trình vào các chương trình, đề án phát triển KT-XH của địa phương.

Công tác truyền thông, vận động được ngành y tế - dân số đẩy mạnh thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, như: Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị và trang web Sở Y tế đăng tải phóng sự, tin, bài tuyên truyền các hoạt động dân số. Tăng cường truyền thông cung cấp thông tin qua trang facebook dân số các cấp.

Tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng lồng ghép với hoạt động của các mô hình câu lạc bộ. Tổ chức các hội nghị nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm nhỏ để cung cấp thông tin về dân số và phát triển. Triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao, xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và xây dựng mô hình thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động trực tiếp tại hộ gia đình qua đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn, bản. Đồng thời, điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích như tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ.

Kết quả, từ năm 2020 - 2024, toàn tỉnh có 124 thôn, khu phố tổ chức phát động xây dựng mô hình, có 16 thôn, khu phố duy trì 3 năm, 5 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên khen thưởng theo Nghị quyết 45/2020/NQ-HĐND tỉnh. Hỗ trợ tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao, xã khó khăn, thông qua chiến dịch, hàng năm có hơn 12.000 lượt phụ nữ được hỗ trợ chi phí khám bệnh phụ khoa, hơn 8.000 lượt phụ nữ được phát hiện bệnh và hỗ trợ thuốc điều trị bệnh phụ khoa.

Duy trì, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tránh thai lâm sàng tại các cơ sở y tế công lập và cung cấp các PTTT phi lâm sàng qua mạng lưới cộng tác viên dân số. Tăng cường hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ qua các đợt chiến dịch, khám lưu động tại cộng đồng. Mở rộng mạng lưới cung cấp PTTT qua kênh xã hội hóa theo Đề án 818 của Bộ Y tế. Khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ.

Các hoạt động của chương trình điều chỉnh mức sinh được triển khai đồng bộ và cơ bản đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động trong việc xác định hiện trạng, xu hướng mức sinh để xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, giải pháp can thiệp phù hợp với đặc thù của địa phương.

Đại bộ phận các gia đình, cặp vợ chồng nhận thức đầy đủ về lợi ích của sinh đủ hai con để có điều kiện nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Với sự triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình đạt được nhiều kết quả khích lệ.

Tỉ suất sinh thô giảm từ 13,84‰ năm 2020 xuống còn 12,85‰ năm 2024, bình quân mỗi năm giảm 0,24‰. Tỉ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai tăng từ 67,4% năm 2020 lên 74,1% năm 2024, tăng bình quân 1,6%/năm. Tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của bà mẹ) giảm từ 2,43 con năm 2020 xuống 2,31 con năm 2024. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 huyện, thị xã, thành phố có tổng tỉ suất sinh ở mức dưới 2,2 con và 4 huyện có tổng tỉ suất sinh trên 2,2 con.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn một số hạn chế như: mức sinh một số địa bàn còn cao, chưa thực sự bền vững và có sự khác biệt giữa các vùng, nhóm đối tượng. Mức sinh tại các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, các xã thuộc vùng đồng bào DTTS còn rất cao, mức sinh khu vực thành thị 2,16 con, khu vực nông thôn 2,41 con, mức sinh tại các xã vùng đồng bào DTTS 2,68 con.

Tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm, sinh con sớm tại vùng đồng bào DTTS vẫn còn tồn tại và có xu hướng gia tăng. Một số trạm y tế xã chưa chủ động cung cấp dịch vụ tránh thai theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế, chủ yếu thực hiện thông qua đội lưu động của tuyến huyện hỗ trợ.

Để chương trình thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Trương Hữu Thiện cho biết: “Cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo việc tiếp tục thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh.

Đổi mới truyền thông, vận động về dân số và tổ chức đánh giá lại thực trạng mức sinh của địa phương để trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với thực tế của địa phương trong giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ/ CSSKSS tại các cơ sở y tế công lập và khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ KHHGĐ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/no-luc-dieu-chinh-muc-sinh-thay-the-phu-hop-193120.htm
Zalo