Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 khu vực dịch vụ

Nối tiếp thành công của 2 năm vừa qua, 6 tháng đầu năm nay, giá trị GRDP ngành dịch vụ của của Ninh Bình đạt 10.456 tỷ đồng, tăng 9,43%, đóng góp 3,63 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế và đạt 47,2% kế hoạch năm. Khu vực thương mại - dịch vụ tiếp tục có đóng góp cao nhất cũng như tốc độ tăng trưởng ổn định nhất trong tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế địa phương

Việc tổ chức Tuần du lịch năm 2024 đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm quan tại Ninh Bình

Việc tổ chức Tuần du lịch năm 2024 đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm quan tại Ninh Bình

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 trong nước và khu vực đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phục hồi kinh tế diễn ra chậm, chưa vững chắc. Trên địa bàn tỉnh, kinh tế tiếp tục đà phục hồi nhưng cũng gặp không ít khó khăn do tác động của tình hình kinh tế chung của thế giới và trong nước.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp duy trì và phát triển sản xuất, kịp thời nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ. Đồng thời, các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục nỗ lực, quyết tâm phấn đấu, cùng sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với những giải pháp tổng thể, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi theo hướng tích cực, duy trì đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đạt 8,19%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, đặc biệt phải kể đến hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục diễn ra sôi động và đạt mức tăng trưởng cao, giá trị GRDP ngành dịch vụ đạt 10.456 tỷ đồng, tăng 9,43%, đóng góp 3,63 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế và đạt 47,2% kế hoạch năm.

Biểu đồ tỷ trọng các ngành trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Thiết kế: Quỳnh Trang

Đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Xác định khu vực dịch vụ tiếp tục là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay, ngay từ đầu năm, để đảm bảo cân đối cung, cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, tích cực triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", gồm các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa Việt Nam có chất lượng và giá cả hợp lý.

Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh đạt trên 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ, tất cả các nhóm hàng đều đạt mức tăng trưởng cao, cụ thể: nhóm lương thực, thực phẩm tăng 31,7%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 36,5%; nhiên liệu khác tăng 37,5%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 37,6%; nhóm hàng may mặc tăng 35,5%; hàng hóa khác tăng 40,1%...; duy nhất nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) có doanh thu bán lẻ giảm 1,7% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm.

Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Winmart (thành phố Ninh Bình). Ảnh Nguyễn Thơm

Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Winmart (thành phố Ninh Bình). Ảnh Nguyễn Thơm

Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xuất, nhập khẩu với những hỗ trợ thiết thực, trực tiếp cho doanh nghiệp. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực xuất khẩu đã có sự phục hồi tích cực, cùng với những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống và những thị trường mới, thị trường tiềm năng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.679 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ, đạt 51,7% kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng khá so với cùng kỳ như: linh kiện điện tử tăng 32,6%; linh kiện phụ tùng ô tô các loại tăng 66,2%; hàng thêu ren tăng 63,8%...

Đối với lĩnh vực du lịch, các cơ hội khôi phục ngành công nghiệp không khói được chính quyền và các doanh nghiệp nắm bắt trong tâm thế chủ động sẵn sàng. Đồng chí Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Từ cuối năm 2023, ngành Du lịch đã chủ động triển khai hàng loạt chương trình cũng như hoạt động kích cầu để thu hút du khách, "đi trước đón đầu" các dòng khách nội địa, khách truyền thống quốc tế và khai thác các thị trường mới. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024); Tuần Du lịch Ninh Bình 2024 với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An"..., góp phần thu hút lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng cao. Đây là điều kiện quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng và dịch vụ du lịch.

Theo thống kê, số lượt khách đến các điểm tham quan du lịch 6 tháng đầu năm đạt 6,26 triệu lượt khách, tăng 38% so với cùng kỳ, đạt 83,5% kế hoạch năm; tổng số lượt khách lưu trú đạt 1,17 triệu lượt, tăng 77,9% so với cùng kỳ và đạt 74,8% kế hoạch năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 5.912 tỷ đồng, tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 71,7% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu lưu trú đạt 442,2 tỷ đồng, tăng 38,3%; doanh thu ăn uống đạt 2.927,5 tỷ đồng, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Để nối tiếp thành công 2 năm liên tiếp khu vực thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng 2 con số, từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương xác định, phát triển các ngành dịch vụ thế mạnh của địa phương gắn với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khấu, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng nội địa gắn với tăng cường công tác quản lý thị trường, theo dõi sát diễn biến thị trường để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không xảy ra tình trạng thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung trong mọi tình huống.

Cùng với đó, Sở Du lịch chủ động khai thác mạnh mẽ lợi thế thu hút khách quốc tế cuối năm, đồng thời kích cầu du lịch thị trường nội địa. Sở triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá điểm đến, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, nâng chất các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đậm bản sắc dân tộc, kết nối các không gian du lịch, tạo thành trải nghiệm riêng có, phù hợp với thị hiếu của du khách trong nước, quốc tế.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/no-luc-dat-muc-tieu-tang-truong-nam-2024-khu-vuc-dich-vu/d20240726152121915.htm
Zalo