Nỗ lực cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 bằng chính sách đột phá nhằm phát triển khoa học, công nghệ
Hà Nội đang nỗ lực cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 bằng các chính sách thiết thực, đột phá nhằm phát triển khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Việc lấy ý kiến phản biện xã hội cho 2 dự thảo nghị quyết của HĐND Thành phố thể hiện tinh thần cầu thị, đồng thời tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho hành trình xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu cả nước.
Sáng 17-7 tại Hà Nội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội 2 dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố phục vụ phát triển khoa học, công nghệ gắn với thi hành Luật Thủ đô 2024. Đó là: Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội và Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội.
Hai nghị quyết này nhằm cụ thể hóa các quy định tại Điều 23 của Luật Thủ đô 2024, đồng thời gắn với Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phóng viên báo Hànôịmới đã ghi lại ý kiến của các đại biểu:
TS Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND Thành phố: 2 Nghị quyết quan trọng và cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội

TS Lê Văn Hoạt
Đây là 2 Nghị quyết quan trọng và cần thiết, vừa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội, vừa để cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng quy định trong Luật Thủ đô (2024), đồng thời là biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Hai nghị quyết có nội dung khá rộng và phức tạp, nhiều vấn đề mới liên quan đến cơ chế, chính sách. Dự thảo nghị quyết được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội chuẩn bị khá công phu, rõ nội dung, bố cục hợp lý, phù hợp quy định pháp luật và sát thực tiễn, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, cách trình bày chưa thật ngắn gọn, nhiều từ, cụm từ trùng lặp không cần thiết; có một số nội dung đề xuất đưa vào nghị quyết cần rà soát kỹ hơn.
Cụ thể, trong Điều 3 về giải thích từ ngữ, khoản 1 có viết: “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố là tập hợp các tổ chức, cá nhân có vai trò và mối quan hệ tương hỗ nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, bao gồm: doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước”.
Theo tôi, cách giải thích như trên là chưa đầy đủ, chưa đề cập đầy đủ đến các nhân tố cấu thành hệ sinh thái (ví dụ nhân tố thuộc về thể chế: cơ chế, chính sách); Nghị quyết số 57-NQ/TW đã chỉ rõ và nhấn mạnh: “Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước”. Mặt khác, nên coi hệ sinh thái là “một hệ thống” chứ không phải là “một tập hợp các tổ chức, cá nhân”. Đề nghị sửa lại khoản 1 điều 3 như sau để ngắn gọn và đầy đủ, dễ hiểu hơn: “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo là một hệ thống gồm các tổ chức, cá nhân có vai trò và mối quan hệ tương hỗ cùng với các cơ chế, chính sách và nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Các tổ chức, cá nhân bao gồm: Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, doanh nhân và nhà đầu tư (Ngân hàng, các quỹ…), các tổ chức hỗ trợ (vườn ươm, tổ chức tư vấn, trung tâm đổi mới sáng tạo…), nhân lực sáng tạo (chuyên gia, nhà khoa học…) ”.
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố: Thí điểm mô hình mua sắm công nghệ theo kết quả đầu ra

PGS.TS Bùi Thị An
Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong quá trình xây dựng các dự thảo Nghị quyết. Nên thí điểm mô hình mua sắm công nghệ theo kết quả đầu ra, mở rộng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt quan tâm đến nhà khoa học có năng lực thực tiễn thay vì chỉ dựa vào học hàm, học vị. Theo tôi, khâu tổ chức thực hiện là vô cùng quan trọng. Việc chọn cán bộ đứng đầu tổ chức thực hiện phải kỹ càng, tránh lợi ích nhóm.
TS. Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Nghiên cứu thêm cơ chế sử dụng không gian công cho doanh nghiệp khởi nghiệp như mô hình tại Bắc Kinh, Singapore...

TS. Phạm Đức Nghiệm
Hai Nghị quyết này này nằm trong chùm 6 nghị quyết về lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, đồng thời đưa ra các nhóm chính sách đặc thù tạo hành lang pháp lý, tài chính thuận lợi giúp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới của Thủ đô. Trong Nghị quyết về chính sách đặc thù, tôi còn băn khoăn phần chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài. Trung ương có 18 Nghị quyết về nhân lực, nhân tài nhưng tản mát. Vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ, bổ sung thêm phần này vào Nghị quyết.
Về định mức, cơ chế hỗ trợ Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo, cần cân nhắc thêm. Điều 7, hỗ trợ hạ tầng, có nội dung quan trọng là không gian cho Đổi mới sáng tạo. Trong Điều 10 Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo, tôi đề nghị tăng mức hỗ trợ cơ sở hạ tầng khởi nghiệp sáng tạo từ 50% lên 70% để tạo đột phá; nghiên cứu thêm cơ chế sử dụng không gian công cho doanh nghiệp khởi nghiệp như mô hình tại Bắc Kinh, Singapore...
TS Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, nay là Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp): Cần có lời giải bài toán nguồn lực thực tế cho việc thực thi các Nghị quyết

TS Dương Thị Thanh Mai
Việc ban hành các Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy các cuộc cách mạng triệt để, toàn diện tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, sắp xếp, xây dựng mới bản đồ hành chính quốc gia với sự thiết lập chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế bằng việc ban hành “Tứ trụ” Nghị quyết trong đó có Nghị quyết số 57- NQ/TW. Quốc hội, Chính phủ cũng rất khẩn trương với tốc độ phi thường ban hành các đạo luật, văn bản của Chính phủ, bộ, ngành thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng. Tất cả các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước được ban hành trong vòng 8 tháng qua đều liên quan, tác động ở những mức độ, góc độ khác nhau đến các chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Điều đó đòi hỏi các Nghị quyết của HĐND trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải được ban hành kịp thời tại thời điểm này, với nội dung không chỉ quy định chi tiết các điều khoản Luật Thủ đô (2024) giao mà còn phải thể chế hóa và cụ thể hóa những chính sách, quy định mới, đột phá hơn, nổi trội hơn có liên quan trong các văn bản của trung ương vào điều kiện đặc thù của Thủ đô.
Về cơ bản, cả hai Dự thảo Nghị quyết đều đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định, nhất là các quy định của Luật Thủ đô (2024), Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (2025), Luật Ngân sách (2025)… về các chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cá nhân tôi khi nghiên cứu 2 Nghị quyết này luôn đặt ra một câu hỏi về bài toán nguồn lực thực tế cho việc thực thi các Nghị quyết này như thế nào? Tính khả thi của những biện pháp hỗ trợ, ưu đãi rất đáng mơ ước này ra sao? Tôi chưa tìm thấy câu trả lời trong Tờ trình hay Bảng thuyết minh hoặc các Phụ lục Đánh giá tác động kèm theo những dữ liệu dù là ở mức khái quát. Riêng trong Tờ trình của Nghị quyết về cơ chế đặc thù có khẳng định: “Với thành phố Hà Nội 3% chi ngân sách nhà nước rất lớn, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết này”. Điều đó chưa đủ thuyết phục về tính khả thi của bài toán tổng thể về nguồn lực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với nhiều khát vọng lớn đặt ra trong cả chùm Nghị quyết trong lĩnh vực này.
Vì vậy, nhìn từ góc độ phản biện chính sách, tôi đề nghị bổ sung nội dung đánh giá tác động tổng thể (định lượng đến mức có thể) về chi phí - lợi ích kinh tế -xã hội của 2 Nghị quyết này nói riêng, cả chùm Nghị quyết về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nói chung, dự báo cho giai đoạn 05 năm 2026-2030, làm cơ sở cho Hội đồng nhân dân xem xét quyết định và MTTQ Thành phố thực hiện nhiệm vụ giám sát xã hội quá trình thi hành các nghị quyết.