Nỗ lực chuyển hóa rác thải thành phân bón hữu cơ

Mô hình 'nhà máy xử lý rác tuần hoàn' được kỳ vọng là điểm sáng mới cho việc xử lý rác thải hiệu quả và bền vững.

Ngày 7-9, tại tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần Nam Long Xanh đã tổ chức Hội thảo Nông nghiệp xanh và ra mắt viên vi sinh, phân bón hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt.

Tại Việt Nam, số lượng rác thải của cả nước không ngừng tăng, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) gia tăng nhanh chóng về số lượng, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý ở nước ta, đặc biệt ở các đô thị và khu dân cư tập trung.

Trước thực trạng đó, nhu cầu xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị của phân hữu cơ (hay còn gọi là compost) là nhu cầu chính đáng và cũng là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Sản phẩm compost tạo ra sẽ là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, tiến tới sản xuất hoàn toàn hữu cơ là định hướng phát triển không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên Thế giới.

 Ông Võ Hoàng Phong, GĐ Giám đốc Công ty cổ phần Nam Long Xanh đang chiết chế phẩm sinh học, tương đương với dầu dùng cho động cơ đốt trong được ép từ rác thải tại Nhà máy xử lý rác tuần hoàn. Ảnh: TL

Ông Võ Hoàng Phong, GĐ Giám đốc Công ty cổ phần Nam Long Xanh đang chiết chế phẩm sinh học, tương đương với dầu dùng cho động cơ đốt trong được ép từ rác thải tại Nhà máy xử lý rác tuần hoàn. Ảnh: TL

Tại chương trình hội thảo, đại diện Công ty CP Nam Long Xanh đã chia sẽ mô hình “Nhà máy xử lý rác tuần hoàn", với năng lực xử lý 20 tấn rác/ngày, thu về khoảng 6 tấn phân hữu cơ và 200 lít chất lỏng tương tự như xăng dầu, có thể dùng cho máy có động cơ đốt trong. Ngoài ra, xỉ từ quá trình đốt rác thải được thu thập và có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung.

Công ty CP Nam Long Xanh sở hữu giải pháp công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt yếm khí và đốt Reackin, không mùi, không xả nước thải ra môi trường, không khói, không chôn lấp. Công nghệ xử lý rác thải, được phát triển dựa trên đặc thù của rác sinh hoạt chưa phân loại của Việt nam sẽ ưu việt hơn công nghệ nhập ngoại. Với công nghệ mới này chi phí xử lý rác thải sẽ tương đối thấp do tận dụng được nhiệt năng từ quá trình đốt yếm khí và reackin chuyển hóa thành xăng dầu. Ngoài ra, theo Công ty Nam Long Xanh, công nghệ này còn có khả năng tái chế các chủng loại phế phẩm có trong rác thải. Bên cạnh đó công nghệ này được đánh giá là rất thân thiện môi trường do không phát thải các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Quá trình xử lý rác bằng men vi sinh nên hạn chế được mùi hôi, ruồi nhặng và sản phẩm phân hữu cơ và phân bón lá đã được kiểm nghiệm, phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ông Lê Hoàng Phương – Trưởng ấp Hòa Phú, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây – Tiền Giang, cho biết: “Ban đầu bãi rác của chúng tôi, rất là hôi thúi, gây ô nhiễm khó chịu. Có nhà máy xử lý rác giảm được mùi hôi, chế phẩm phân bón hữu cơ cũng rất có ích cho nông dân chúng tôi”.

Rác hữu cơ sau khi được phân loại và đồng nhất tự động trộn với giống vi sinh vật và các chất xúc tác khác, tạo đống ủ cao dưới 3m với các sensor đo nhiệt tự động ở các vị trí khác nhau. Trong 15 ngày đầu nhiệt độ sẽ tăng từ 60 đến 75oC và trong điều kiện nhiệt độ cao kéo dài sẽ giúp cho sản phẩm phân compost không còn mầm bệnh như: virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng các chất ô nhiễm nồng độ thấp…tạo ra các enzyme ngoại bào như: xylanase, chitinase, lipase, amylase, protease, CMCase, laccase…

Ông Võ Hoài Phong – GĐ Công ty CP Nam Long Xanh chia sẻ: “Xu hướng mở rộng nhiều nhà máy xử lý rác trên nhiều địa phương, tại khu vực ĐBSCL sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rác trên sông nước. Trong bối cảnh các tỉnh – thành ĐBSCL và nhiều địa phương trên cả nước đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm từ các bãi rác, mô hình ‘nhà máy xử lý rác tuần hoàn’ là mô hình được kỳ vọng làm điểm sáng mới cho việc xử lý rác thải hiệu quả và bền vững”.

Nam Long Xanh cũng đang có các hợp đồng liên danh với các đối tác có nhà máy gia công chế tạo cơ khí. Vì vậy, chi phí đầu tư dự án sẽ thấp hơn nhiều so với các công nghệ được nhập khẩu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, để phát triển được mô hình này rất cần sự chung tay, góp sức, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhà đầu tư để nâng cao năng lực và hoàn chỉnh công nghệ để hiệu quả cao hơn.

T.Tr

Nguồn PLO: https://plo.vn/no-luc-chuyen-hoa-rac-thai-thanh-phan-bon-huu-co-post809430.html
Zalo