Nỗ lực cải thiện chỉ số xếp hạng chuyển đổi số

Theo kết quả xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2023 mới được công bố, Văn phòng UBND tỉnh là đơn vị xếp thứ nhất khối sở, ngành với 970 điểm; xếp cuối khối sở, ngành là Ban Dân tộc tỉnh với 702,49 điểm. Ở khối huyện, thị xã, thành phố, xếp thứ nhất là đơn vị TP Thanh Hóa với 889,09 điểm; xếp cuối là huyện Thường Xuân với 595,89 điểm. Căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp hạng DTI, các địa phương, đơn vị đang tiếp tục nỗ lực xây dựng phương án, đưa ra giải pháp phát triển chỉ số DTI của đơn vị mình.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND huyện Thường Xuân.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND huyện Thường Xuân.

Thời gian qua, việc thực hiện các chỉ số DTI đã giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, các ngành, địa phương trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Bên cạnh đó, việc nâng cao chỉ số DTI còn góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về chuyển đổi số, XDNTM, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS, DDCI... của các địa phương, đơn vị.

Căn cứ vào xếp hạng DTI, huyện Thường Xuân đang tập trung xác định các tiêu chí còn yếu, chưa đạt để xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số DTI của huyện.

Anh Tống Viết Quân, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: Hiện nay, khó khăn nhất là chỉ tiêu về kinh tế số, xã hội số. Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) chuyển đổi số huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu, tiêu chí chuyển đổi số, quy định phạm vi trách nhiệm tổ chức thực hiện của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp huyện, xã trên địa bàn huyện. BCĐ chuyển đổi số huyện cũng đã xây dựng xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nhóm nhiệm vụ công tác tổ chức, điều phối hoạt động chuyển đổi số và 43 hoạt động chuyển đổi số trọng tâm cần quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ kế hoạch đề ra, toàn huyện đang tích cực triển khai, thực hiện, nỗ lực nâng cao chỉ số DTI trong thời gian tới.

Là đơn vị xếp thứ 3 ở khối huyện, thị xã, thành phố về chỉ số DTI năm 2023, huyện Hoằng Hóa cũng đang nỗ lực duy trì chỉ số ở nhóm các đơn vị dẫn đầu. Anh Hoàng Mạnh Cường, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoằng Hóa cho biết: Địa phương đang tập trung phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số cấp xã năm 2024. Đến nay, toàn huyện đã có 10/37 xã, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số năm 2022; 13 xã đang được Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định trình UBND tỉnh công nhận hoàn thành chuyển đổi số năm 2023; còn lại 14 xã phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số trong năm 2024.

Một trong những tiêu chí mà huyện Hoằng Hóa đang dồn lực thực hiện đó là tiêu chí về chữ ký số cá nhân. Tính đến cuối tháng 7, toàn huyện đã cài đặt chữ ký số cá nhân cho 24.258 người dân. Trong đó, lấy lực lượng nòng cốt tham gia thực hiện là đoàn thanh niên. Ngoài ra, địa phương cũng đang thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử. 6 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế trên địa bàn huyện là 743 doanh nghiệp, trong đó 100% doanh nghiệp sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt và nộp thuế điện tử. Huyện Hoằng Hóa đang tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Đối với khối sở, ngành, Sở Nội vụ là đơn vị thuộc khối các cơ quan cấp tỉnh có điểm chỉ số trung bình tăng tới 12 bậc so với năm 2022, xếp thứ 4 toàn tỉnh. Ông Lê Hoài Phương, Phó Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết: Căn cứ vào các kế hoạch của UBND tỉnh, sở đã chủ động tham mưu trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện chuyển đổi số, qua đó góp phần nâng cao chỉ số DTI. Cụ thể, sở đã tổ chức hội nghị triển khai các quy định, hướng dẫn có liên quan của Chính phủ, Bộ Nội vụ về việc tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với VNPT Thanh Hóa tổ chức tập huấn, cập nhật cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức cho tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đối với gần 3.000 đơn vị đầu mối và hơn 5.000 cán bộ, công chức, viên chức tham dự. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đảm bảo đúng quy định. Từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng DTI của sở.

Theo kết quả xếp hạng DTI của các sở, ngành, UBND cấp huyện năm 2023, điểm trung bình so với năm 2022 đã có sự tăng trưởng; sự chênh lệch điểm giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất được rút ngắn. Khối sở, ngành điểm trung bình tăng 94,53 điểm; chênh lệch đơn vị cao nhất và thấp nhất là 313,2 điểm (đơn vị cao nhất đạt 899,09 điểm; thấp nhất đạt 585,89 điểm). Khối huyện, thị xã, thành phố, điểm trung bình tăng 51,74 điểm; chênh lệch đơn vị cao nhất và thấp nhất là 325,91 điểm (đơn vị cao nhất đạt 970 điểm; thấp nhất đạt 644,09 điểm). Đây là kết quả tích cực, cho thấy chỉ số xếp hạng DTI ngày càng được quan tâm, chú trọng, góp phần cải thiện năng lực phục vụ của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đồng thời, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ số DTI phản ánh nỗ lực, lộ trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, điều hành của các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Để nâng cao chỉ số DTI bắt buộc các đơn vị phải theo dõi sát, xây dựng lộ trình, đưa ra giải pháp phù hợp với đặc thù riêng của đơn vị, lĩnh vực mình... Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, sự đồng thuận, nỗ lực thực hiện của cán bộ, công chức; sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/no-luc-cai-thien-chi-so-xep-hang-chuyen-doi-so-222068.htm
Zalo