Nợ công của Ukraine tăng gấp đôi trong 3 năm qua
Nợ công Ukraine đã tăng gấp đôi trong ba năm, gần chạm 100% GDP. Bộ trưởng Tài chính thừa nhận Kiev không thể trả nợ nước ngoài trong vòng 30 năm tới, giữa lúc phụ thuộc sâu vào viện trợ phương Tây.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine cho hay nợ công nước này đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua. Ảnh: Getty.
Kiev sẽ không thể hoàn trả các khoản nợ nước ngoài trong vòng 30 năm tới, theo lời Bộ trưởng Sergey Marchenko.
Ukraine sẽ không thể trả nợ cho các chủ nợ nước ngoài trong 30 năm tới khi nợ công đang tiến sát ngưỡng 100% GDP, Bộ trưởng Tài chính Sergey Marchenko tuyên bố hôm 8/5. Tuy nhiên, ông cho biết Kiev vẫn có ý định tiếp tục vay mượn.
Kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào năm 2022, Ukraine đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cũng như các khoản vay từ Mỹ, EU và các nhà tài trợ khác. Khoản nợ công ngày càng tăng của Kiev – hiện gần chạm mức 7,1 nghìn tỷ hryvna (tương đương 171 tỷ USD) – đang làm dấy lên lo ngại về sự ổn định tài khóa và khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính trong tương lai của nước này.
Theo lời ông Marchenko, trước năm 2022, tỷ lệ nợ công so với GDP của Ukraine “khá an toàn” ở mức 55%, nhưng hiện tại con số này đang tiệm cận 100%. Vị Bộ trưởng này tỏ ra xem nhẹ tình hình, cho rằng nợ công “không phải là vấn đề” vì các khoản vay từ nước ngoài đến với điều kiện ưu đãi.
“Điều đó có nghĩa là, trong 30 năm tới…chúng ta sẽ không trả được những khoản nợ này”, ông Marchenko thừa nhận.
“Dù trong bất kỳ kịch bản nào…chúng ta vẫn cần thêm các nguồn tài trợ…chúng ta sẽ không thể tự xoay sở dù có chiến tranh…hay hòa bình”, ông nói thêm. Vị Bộ trưởng còn gợi ý rằng các nhà tài trợ phương Tây có thể sẽ phải thanh toán hộ Ukraine bằng chính ngân sách của họ.
Hiện tại, lãi suất thu được từ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị phương Tây đóng băng do lệnh trừng phạt đang được sử dụng để chi trả nợ cho Kiev.
Vào tháng 4, Nhật Bản đã đồng ý cấp khoản vay khoảng 3 tỷ USD cho Ukraine, được hoàn trả từ nguồn tài sản bị đóng băng của Moscow. Cũng trong tháng đó, EU đã chuyển khoản tài trợ đợt ba trị giá 1 tỷ euro cho Ukraine, được đảm bảo bằng nguồn thu từ các tài sản bị phong tỏa.
Nga đã phản đối gay gắt các động thái này, gọi đây là “hành vi trộm cắp” và đe dọa sẽ trả đũa.
Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine, đã bắt đầu tìm cách thu hồi khoản viện trợ tài chính thông qua một thỏa thuận tài nguyên thiên nhiên với Kiev. Thỏa thuận này cho phép Mỹ tiếp cận ưu đãi với nguồn khoáng sản của Ukraine mà không cần cung cấp bất kỳ cam kết an ninh nào.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev, đã bình luận rằng Mỹ thực chất đã “buộc chính quyền Kiev phải trả tiền cho viện trợ của Mỹ” bằng “tài sản quốc gia của một đất nước đang dần biến mất”.
Ukraine hiện cũng đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ với khoản thanh toán gần 600 triệu USD đến hạn vào tháng 5 cho các chứng khoán liên kết với GDP. Các cuộc đàm phán tái cấu trúc nợ với các quỹ đầu cơ cho đến nay vẫn chưa đạt kết quả.