Ninh Thuận: Thiếu nước sạch ngay cạnh nhà máy nước hàng chục tỉ đồng

Một nhà máy nước sạch được đầu tư hàng chục tỉ đồng nhằm đáp ứng nước sinh hoạt cho 6 thôn ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Nhưng khi đi vào vận hành, nhà máy nước sạch chỉ đáp ứng được gần một nửa nhu cầu.

Hệ thống cấp nước sinh hoạt Phước Bình do Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước làm chủ đầu tư. Ảnh: Duy Ngọc

Hệ thống cấp nước sinh hoạt Phước Bình do Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước làm chủ đầu tư. Ảnh: Duy Ngọc

Thiếu nước sạch sử dụng, khoảng 600 hộ dân 3 thôn còn lại ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) phải cùng nhau góp tiền kéo đường ống dẫn nước từ suối, sông về sử dụng. Hàng ngày, họ phải sử dụng các nguồn nước không hợp vệ sinh.

Khu tái định cư đã khang trang nhưng lại thiếu nước sạch

Những ngày giữa tháng tháng 5/2025, phóng viên Báo Sức Khỏe và Đời Sống đã đến khu tái định cư ở thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái) để ghi nhận phản ánh của người dân về thực trạng thiếu nước sạch ngay cạnh nhà máy nước hàng chục tỉ đồng.

Bà Pu Pur Thị Phinh buồn bã cạnh đường ống nước và đồng hồ nước đã bị hư hỏng. Ảnh: Duy Ngọc

Bà Pu Pur Thị Phinh buồn bã cạnh đường ống nước và đồng hồ nước đã bị hư hỏng. Ảnh: Duy Ngọc

Bà Pu Pur Thị Phinh (ở thôn Bạc Rây 2) cho biết, mấy năm trước, gia đình bà được Nhà nước đầu tư hệ thống cấp nước để sử dụng nước sạch từ nhà máy nước Phước Bình. Thế nhưng, do không có nước nên chỉ sau vài tháng, hệ thống đường ống bị bỏ phí, hư hỏng.

Bà Phinh chia sẻ: "Ngày trước ở làng cũ nước sử dụng thoải mái. Gần chục năm nay, chúng tôi được Nhà nước quan tâm đưa về khu tái định cư mới này cuộc sống ổn định hơn, nhà cửa được xây mới rất khang trang.

Nhưng, nhà đã đẹp mà nước sạch lại không có. Mặc dù có hệ thống cấp nước, nhưng đến nay vẫn thiếu nước sạch để sử dụng".

Hiện có hơn 600 hộ dân ở 3 thôn còn lại của xã Phước Bình chưa tiếp cận được nước sinh hoạt từ nhà máy nước của xã. Để có nước sinh hoạt, họ cùng nhau góp tiền kéo đường ống dẫn nước từ suối, sông về sử dụng.

Ông Pi Năng Biến nói: "Cứ 4 - 5 hộ gộp lại với nhau mua đường ống này. Mỗi hộ góp 1 triệu đồng mua ống nước lớn kéo nước từ suối cách nhà khoảng vài trăm mét về, rồi chia ra từng ống nhỏ để sinh hoạt".

Còn chị Pu Pur Thị Huệ chia sẻ: "Ở đây có nhiều gia đình khó khăn, đâu phải ai cũng có tiền để góp với nhau. Để có nước dùng, chúng tôi phải ra sông, suối gần nhà lấy nước chứa vào các can nhỏ rồi "cõng" nước về. Khi sông suối cạn nước, chúng tôi phải bỏ tiền mua nước về dùng".

Chị Pu Pur Thị Huệ và nhiều gia đình khác đang phải sử dụng nước từ sông, suối hoặc nước mưa. Ảnh: Duy Ngọc

Chị Pu Pur Thị Huệ và nhiều gia đình khác đang phải sử dụng nước từ sông, suối hoặc nước mưa. Ảnh: Duy Ngọc

Công trình cấp nước gần 21 tỉ chưa phát huy hiệu quả

Hệ thống cấp nước sinh hoạt Phước Bình do Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước làm chủ đầu tư. Công trình có tổng kinh phí gần 21 tỉ đồng, được đưa vào vận hành, khai thác từ tháng 7/2020. Theo thiết kế, nhà máy có khả năng cung cấp nước cho gần 1.000 hộ dân của 6 thôn thuộc xã Phước Bình. Nhưng thực tế, nhà máy chỉ đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu.

Mong mỏi của người dân lúc này là hệ thống nước sạch của xã sớm được khắc phục, sữa chữa để có nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Duy Ngọc

Mong mỏi của người dân lúc này là hệ thống nước sạch của xã sớm được khắc phục, sữa chữa để có nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Duy Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Công Đồng - Phó Trưởng phòng Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận cho biết: "Trước khi bàn giao lại cho Trung tâm quản lý, Trung tâm có khảo sát rà soát và có báo cáo hiện trạng chỉ cấp nước cho 3 thôn và đề nghị Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước phải khắc phục sửa chữa, làm sao cấp nước đầy đủ cho nước cho dân ở 6 thôn ở xã Phước Bình.

Sau đó, Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước đã lập dự án và kế hoạch đầu tư trong 2023 - 2025. Nhưng đến hiện tại, chúng tôi chưa thấy đầu tư.

Đã vậy, vào mùa nắng hạn, sông, suối khô kiệt hoặc mưa lớn nước sông suối đục không thể sử dụng. Mong mỏi của người dân lúc này là hệ thống nước sạch của xã sớm được khắc phục, sữa chữa để đảm bảo cung cấp nước ổn định cho bà con".

Duy Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ninh-thuan-thieu-nuoc-sach-ngay-canh-nha-may-nuoc-hang-chuc-ti-dong-169250516172046922.htm
Zalo