Ninh Thuận tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích
UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị các đơn vị phát huy hiệu quả giá trị của các di tích, danh lam thắng cảnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngày 27/9, ông Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã ký văn bản gửi các Sở ngành, địa phương về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Việc làm này thực hiện theo Công văn số 3656/BVHTTDL-DSVH ngày 27/8/2024 của Bộ VHTTDL về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; và theo đề nghị của Sở VHTTDL tại Tờ trình số 160/TTrSVHTTDL ngày 19/9/2024.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Ninh Thuận,… nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê và xếp hạng các cấp.
Đến nay, Ninh Thuận có 239 di sản văn hóa được đưa vào danh mục kiểm kê, 66 di tích được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia, 51 di tích cấp tỉnh, bao gồm di tích lịch sử cách mạng, đình, đền, miếu, tháp Chăm); 5 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ninh Thuận cũng là một trong số 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đó, nhằm phát huy hiệu quả giá trị của các di tích, di sản văn hóa, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh quê hương, thu hút đông đảo du khách tham quan, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo yêu cầu của Bộ VHTTDL.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 15/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh./.