Ninh Thuận quy hoạch 2.000 ha mặt nước để nuôi biển công nghệ cao
Hơn 2.000 ha mặt biển ở Ninh Thuận được quy hoạch nuôi biển theo ứng dụng công nghệ cao.
Ngày 1-4, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã ban hành quyết định phê duyệt đề án quản lý và phát triển vùng nuôi biển tỉnh này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo quyết định, phạm vi khu vực biển được quản lý, phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao có diện tích 2.034 ha tại vùng biển huyện Ninh Hải.

Khu vực quy hoạch nuôi biển công nghệ cao tại Ninh Thuận. Ảnh: H.H
Về chính sách, đề án áp dụng luật khuyến khích đầu tư đối với tất cả thành phần kinh tế trong và ngoài nước, khuyến khích mô hình nuôi biển công nghệ cao như lồng HDPE và các công nghệ khác với chính sách hỗ trợ tín dụng, tín dụng gắn liền với bảo hiểm vay vốn.
Ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu bao gồm, cảng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phao… hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến.
Ngoài ra, những hộ có đăng ký nuôi trong vùng quy hoạch với số lượng, sản lượng dự kiến sẽ được hỗ trợ một phần thiệt hại; áp dụng gia hạn nợ để khắc phục và tái sản xuất trong trường hợp xảy ra rủi ro, sự cố bất thường như bão lũ, động đất, bùng nổ dịch bệnh.
Đề án còn có các giải pháp về khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngư dân thu hoạch tôm hùm nuôi trong lồng HDPE. Ảnh: H.H
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, đề án nuôi biển này theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, giảm đánh bắt tự nhiên, bảo vệ môi trường.
Ông Đặng Kim Cương cho hay ngành nông nghiệp Ninh Thuận sẽ tập hợp các công ty, hộ gia đình cá nhân nuôi trồng thủy sản tại khu vực để cấp mã số vùng nuôi, hình thành các chuỗi liên kết, tạo ra giá trị cao cho sản phẩm thủy sản.
"Ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào nuôi biển theo ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, chú trọng vào nuôi tôm hùm và các loài cá chẽm, chim vây vàng, mú... để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, hướng đến xuất khẩu" - ông Đặng Kim Cương nói.