Ninh Bình tiên phong trong hiện thực hóa kinh tế di sản

Kinh tế di sản và tài nguyên di sản còn khá mới mẻ trong lý luận và khoa học quản lý, song trên thực tiễn việc phát triển kinh tế di sản đã hình thành, phát triển trong quá trình khai thác, phát huy giá trị các di sản lâu nay. Ninh Bình với trữ lượng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, dày đặc, đa dạng về loại hình và niên đại đã và đang được nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị, tạo nguồn nội lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế di sản của địa phương.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An giữ vai trò cốt lõi để Ninh Bình hiện thực hóa kinh tế di sản. Ảnh: Minh Đường

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An giữ vai trò cốt lõi để Ninh Bình hiện thực hóa kinh tế di sản. Ảnh: Minh Đường

Tiềm năng nổi trội

Tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kì vĩ, hữu tình với địa hình đa dạng: Có đồi núi, sông hồ, đồng bằng, vùng biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ, tạo nên kỳ quan thiên nhiên đặc sắc, tuyệt mỹ, riêng có; có vị trí kết nối, chuyển tiếp của 3 vùng kinh tế: Vùng đồng bằng sông Hồng - Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Vùng trung du và miền núi phía Bắc; cũng là nơi tiếp nối, giao thoa giữa lưu vực sông Hồng với sông Mã, “Cửa ngõ phía Nam của “Nền văn minh sông Hồng” - “Cái nôi văn hóa đầu tiên của người Việt”.

Nơi đây, từng ghi dấu ấn từ hàng vạn năm trước, tổ tiên xa xưa của chúng ta từ thời tiền sử đã chọn là nơi cư trú, thích ứng linh hoạt với biến động môi trường sống tạo nên một dạng thức văn hóa độc đáo thời tiền - sơ sử, làm tiền đề tạo dựng nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh - Lê và buổi đầu nhà Lý. Tất cả các yếu tố đặc sắc về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử đã được người dân Hoa Lư gìn giữ, bảo vệ, trao truyền qua các thế hệ để kết tinh thành một Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An với những giá trị nổi bật toàn cầu, được UNESCO ghi danh vào tháng 6 năm 2014. Tràng An được ghi danh là di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á vì các giá trị đặc biệt, nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, chứa đựng kho tư liệu đồ sộ, đầy đủ, phong phú về nhân loại thời tiền sử, thể hiện cách thức thích ứng trước những biến đổi môi trường trong hàng vạn năm qua.

Cố đô Hoa Lư - nơi ghi dấu 3 triều đại: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ảnh: CTV

Cố đô Hoa Lư - nơi ghi dấu 3 triều đại: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ảnh: CTV

Trong hơn một thập kỷ qua, với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trách nhiệm và cách làm bài bản, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả của chính quyền, cùng sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp Ninh Bình, Quần thể danh thắng Tràng An được bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá là một trong những mô hình mẫu mực tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa sự phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, trở thành biểu tượng của sự cam kết có trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa tự nhiên của thế giới.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh, bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 khẳng định: Nhờ cách tiếp cận đa bên và hợp tác sáng tạo, Tràng An đã trở thành một hình mẫu trong bối cảnh năng động về phát triển bền vững, một mô hình nơi các cộng đồng địa phương không chỉ đơn thuần là người hưởng lợi, mà còn là nhân vật chính tham gia tạo ra sản phẩm bản địa và hoạt động du lịch di sản, đây chính là biểu hiện của phát triển cân đối hài hòa giữa phát triển du lịch bền vững và bảo tồn di sản.

Chuyển hóa di sản thành tài sản

Xác định di sản văn hóa là tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, việc chuyển hóa giá trị di sản thành tài sản kinh tế, phát triển kinh tế di sản được tỉnh Ninh Bình coi trọng và đạt được một số kết quả tích cực. Nổi bật trong số đó phải kể đến công tác phát triển du lịch di sản đã và đang khai thác hiệu quả, cẩn trọng. Nhiều điểm di tích, danh lam thắng cảnh trở thành điểm tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa tâm linh như Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, động Am Tiên, Tam Cốc - Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm, phủ Đồi Ngang...

Du lịch Ninh Bình nằm trong nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Ảnh: Nguyễn Thơm

Du lịch Ninh Bình nằm trong nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Ảnh: Nguyễn Thơm

Sự phát triển nhanh của ngành du lịch tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, tạo doanh thu cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu cho những làng nghề truyền thống. Tính từ thời điểm sau đại dịch COVID-19, du lịch Ninh Bình có sự khởi sắc, đặc biệt du lịch nội địa tăng trưởng vượt mức, khẳng định vị thế là một trung tâm du lịch của vùng, của quốc gia khi liên tục nhận nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức và chuyên trang quốc tế, nổi bật như: Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024; top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông; điểm đến có ảnh hưởng trên thế giới…

Năm 2024, toàn tỉnh ước đón trên 8,7 triệu lượt khách, tăng 26,5% so với cùng kỳ, vượt 16% kế hoạch năm; doanh thu du lịch đạt gần 8.900 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2023, vượt 7,8% kế hoạch năm, xác lập mốc mới đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh ước đón 4,4 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách nội địa đón 3,9 triệu lượt khách; khách quốc tế đón trên 516 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt trên 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng này, Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, nằm trong nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước.

Có thể thấy, kể từ khi được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Quần thể Danh thắng Tràng An giữ vai trò cốt lõi, là hình mẫu tiêu biểu về việc vốn hóa di sản thành tài sản, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã góp phần quan trọng đưa hình ảnh của tỉnh Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ để Ninh Bình phát triển du lịch.

Bên cạnh việc khai thác các giá trị cảnh quan, thiên nhiên để phát triển du lịch, Ninh Bình còn là vùng đất khơi nguồn cho các sản phẩm sáng tạo nghệ thuật lấy cảm hứng từ di sản văn hóa. Đã có hàng trăm ca khúc, hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt…), rất nhiều tác phẩm văn học của các tác giả, nhà văn trong nước sáng tác trên nền di sản văn hóa Ninh Bình. Một số nhà sản xuất các chương trình truyền hình, phim truyện, tác phẩm sân khấu, điện ảnh trong nước, quốc tế đã chọn Ninh Bình làm bối cảnh sáng tạo. Các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, hát xẩm, hát văn, múa rối nước… đã trở thành sản phẩm văn hóa không thể thiếu trong hoạt động du lịch, trải nghiệm, giải trí của nhân dân và du khách.

Bên cạnh đó, các di sản ẩm thực truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức bản địa (như y thuật, dược liệu…) đã năng động, sáng tạo và bắt kịp xu thế nhanh chóng gia nhập thị trường các sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch như sản phẩm mô phỏng đồ cổ, nhà cổ, phố cổ, y phục cổ... đem lại mức tăng trưởng ổn định cho các nhà đầu tư, đáp ứng đa dạng nhu cầu của Nhân dân và du khách.

Nghề thủ công truyền thống, tri thức bản địa trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Ảnh: Hoàng Hiệp

Nghề thủ công truyền thống, tri thức bản địa trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Ảnh: Hoàng Hiệp

Để tạo cơ sở cho việc hiện thực hóa kinh tế di sản, Ninh Bình đang tích cực triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021 - 2030 nhằm vốn hóa tài nguyên di sản thông qua phát hiện, khai quật, sưu tầm, thống kê, hệ thống hóa, giải mã di sản. Kết quả bước đầu của Đề án đã và đang hình thành kho dữ liệu về di sản văn hóa trên địa bàn Ninh Bình. Đây là nguồn dữ liệu phong phú để xây dựng, tổ chức hoạt động các công viên lịch sử văn hóa, các bảo tàng chuyên đề, đồng thời cũng tạo chất liệu cho việc xây dựng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh, truyền hình...

Những kết quả trong phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung của Ninh Bình thời gian qua đã minh chứng cho sự lựa chọn của tỉnh khi lấy kinh tế di sản, kinh tế sáng tạo là nguồn lực cho phát triển bền vững là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, để kinh tế di sản, kinh tế sáng tạo là định hướng, là chiến lược cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giải quyết vấn đề dân sinh, dân kế, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, Ninh Bình cần có cơ chế thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh tế di sản; hỗ trợ đầu tư, phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ truyền thống… làm gia tăng hàm lượng di sản văn hóa trong các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, tỉnh cần có giải pháp tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu Di sản văn hóa Ninh Bình, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng tri thức và văn hóa cho kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa.

Với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong thực hiện tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Ninh Bình đã được phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Bình sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng phát triển Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-tien-phong-trong-hien-thuc-hoa-kinh-te-di-san-756061.htm
Zalo