Ninh Bình sẵn sàng bước vào năm học mới 2024-2025

Ngày khai giảng năm học mới 2024-2025 đã cận kề. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn nhà giáo Phan Thành Công, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác triển khai năm học mới trong toàn tỉnh.

Nhà giáo Phan Thành Công, Giám đốc Sở GD và ĐT tặng Giấy khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024. Ảnh: Minh Quang

Nhà giáo Phan Thành Công, Giám đốc Sở GD và ĐT tặng Giấy khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024. Ảnh: Minh Quang

P.V:Xin nhà giáo cho biết, để chào đón năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tham mưu cho tỉnh đầu tư kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cấp trường lớp, đồ dùng và thiết bị dạy học cho các đơn vị giáo dục trên địa bàn như thế nào?

Nhà giáo Phan Thành Công: Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ưu tiên cân đối, bố trí kinh phí ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục các cấp học tại địa phương. Kinh phí cấp cho giáo dục và đào tạo năm 2024 chiếm 22,8% trong tổng chi cân đối ngân sách địa phương (tăng 0,4% so với năm 2023); kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu dạy học, đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với tổng kinh phí là 184.232 triệu đồng.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới 2024-2025, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học kiểm tra, rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, tham mưu với chính quyền địa phương tiến hành cải tạo sửa chữa, nâng cấp ngay trong dịp hè. Đến nay, toàn tỉnh không còn phòng học và các hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh và giáo viên; một số cơ sở giáo dục có phòng học và hạng mục công trình xây dựng xuống cấp nhẹ đang được các địa phương khẩn trương khắc phục để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025.

 Ban Giám hiệu Trường THPT Nho Quan B rà soát sách, tài liệu phục vụ học tập, giảng dạy trong năm học 2024-2025. Ảnh: Anh Tú

Ban Giám hiệu Trường THPT Nho Quan B rà soát sách, tài liệu phục vụ học tập, giảng dạy trong năm học 2024-2025. Ảnh: Anh Tú

P.V:Thưa nhà giáo, ngành GD&ĐT đã có giải pháp bố trí, sắp xếp giáo viên nhằm đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch năm học, tránh tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ?

Nhà giáo Phan Thành Công: Ngành GD&ĐT đã quan tâm công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các cấp. Trong đó đã tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 12 ôn thi tốt nghiệp; giáo viên dạy môn Tin học; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố rà soát đội ngũ, tham mưu UBND huyện, thành phố tuyển dụng, hợp đồng, điều động giáo viên, cân đối về cơ cấu, số lượng, trong đó đặc biệt quan tâm đến các môn còn thiếu nhiều giáo viên, môn học mới theo Chương trình GDPT 2018; xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, nhân sự của các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hợp lý, nhất là các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ.

P.V:Xin nhà giáo cho biết, năm học mới 2024-2025, toàn tỉnh thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp ở các cấp học như thế nào?

Nhà giáo Phan Thành Công: Sở GD&ĐT ban hành hướng dẫn công tác tuyển sinh năm học 2024-2025, phối hợp với các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo kế hoạch, công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh đã hoàn thành theo đúng kế hoạch. Khối lớp 1 tuyển được 18.224 học sinh (đạt 100% so với số trẻ hoàn thành chương giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm học 2023-2024), lớp 6 tuyển được 18.815 học sinh (đạt 99,56% so với số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2023-2024), lớp 10 tuyển được 13.828 học sinh, học viên (đạt 92,26% so với số học sinh tốt nghiệp THCS năm 2024, trong đó: THPT đạt 73,85%; GDTX đạt 18,41%).

2 năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của tỉnh có nhiều điểm mới. Tỉnh Ninh Bình là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện việc đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, nộp phí dịch vụ tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến. Qua đó tăng tính minh bạch về tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, học sinh và các cơ sở giáo dục; tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục giấy tờ, hồ sơ và chi phí, nhận được sự đồng thuận cao và có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện công tác chuyển đổi số của tỉnh, góp phần từng bước chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin trong ngành Giáo dục.

Cô giáo và học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Mai Sơn (Yên Mô) trong ngày đầu tựu trường năm học mới 2024-2025. Ảnh: Anh Tuấn

Cô giáo và học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Mai Sơn (Yên Mô) trong ngày đầu tựu trường năm học mới 2024-2025. Ảnh: Anh Tuấn

P.V:Xin nhà giáo cho biết mục tiêu và giải pháp trọng tâm của ngành GD&ĐT để hoàn thành kế hoạch năm học mới 2024-2025?

Nhà giáo Phan Thành Công: Tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ GD&ĐT và của tỉnh về lĩnh vực GD&ĐT, trọng tâm là: Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; thực hiện tốt chủ đề năm học 2024-2025 của Bộ GD&ĐT "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD&ĐT" và chủ đề công tác hằng năm của Tỉnh ủy; năm học 2024-2025. ngành Giáo dục Ninh Bình xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025; định hướng tầm nhìn và xây dựng các chỉ tiêu về lĩnh vực GD&ĐT cho những năm tiếp theo.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn. Đẩy mạnh phong trào và nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục.

Tập trung công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay; trong đó nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý và phương pháp dạy học cho đội ngũ giáo viên; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo cấu trúc Chương trình GDPT 2018.

Xây dựng phong trào trường học Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn-Hạnh phúc. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.

Tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi... an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế; đặc biệt là Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025-2026 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018.

Đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, trong đó tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào giảng dạy; triển khai học bạ số các cấp học; ứng dụng các nền tảng số trong quản trị trường học.

P.V:Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã sẵn sàng bước vào năm học mới và tổ chức tốt Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường như thế nào, thưa nhà giáo?

Nhà giáo Phan Thành Công: Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 477 cơ sở giáo dục, với 264.578 trẻ mầm non, học sinh, học viên, trong đó: 154 trường mầm non, với 62.361 trẻ; 146 trường tiểu học, với 94.728 học sinh; 135 trường THCS, 7 trường Tiểu học và THCS, với 70.227 học sinh; 27 trường THPT, với 32.248 học sinh; 8 trung tâm GDTX, với 5.014 học viên.

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng bước vào năm học mới, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025. Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện để học sinh tựu trường, Lễ khai giảng năm học mới và Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường. Sở tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn đại biểu của tỉnh dự lễ khai giảng tại 10 cơ sở giáo dục trong tỉnh; các cấp chính quyền địa phương cũng thành lập các đoàn đại biểu dự lễ khai giảng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

P.V: Xin cảm ơn nhà giáo!

Hồng Vân (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-san-sang-buoc-vao-nam-hoc-moi-2024-2025/d2024082622381946.htm
Zalo