Ninh Bình: Phê duyệt Dự án Xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ
Ngày 27/3/2025, tại kỳ họp thứ 30, HĐND tỉnh khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ (giai đoạn I).

Tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ có điểm cuối tại nút giao Đồng Giao, thành phố Tam Điệp thuộc tuyến đường Đông-Tây.
HĐND tỉnh quyết nghị: Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ (giai đoạn I) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh quản lý dự án với các nội dung như sau:
1. Mục tiêu đầu tư
Xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ (giai đoạn I) - Tuyến đường Đông - Tây giai đoạn II (kết nối huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa - các huyện: Kim Sơn, Yên Mô, Nho Quan và thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình - đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình), đồng thời kết nối với các tỉnh vùng Tây Bắc, kết nối với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1, Quốc lộ 12B, Quốc lộ 45, Quốc lộ 10 và đường bộ ven biển đi các tỉnh đồng bằng duyên hải Bắc Bộ, Trung Bộ, mở rộng không gian, tạo dư địa và động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, tạo nền tảng vững chắc để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
2. Quy mô đầu tư
a) Phạm vi đầu tư: Điểm đầu giao với Tuyến đường bộ ven biển tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn; điểm cuối tại nút giao Đồng Giao, thành phố Tam Điệp (điểm đầu của dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn l)); tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 32,3km.
b) Quy mô xây dựng
Đối với các đoạn thông thường (chiều dài khoảng 26,3 km) đầu tư phần lõi trục chính rộng 37 m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, dải đất dự trữ ở giữa rộng 15 m; giải phóng mặt bằng theo quy mô đầu tư rộng trung bình khoảng 50m.
Đối với các đoạn qua khu đông dân cư đã có (chiều dài khoảng 2,5km; không bao gồm đoạn đi trùng đường ĐT.480E, đường khu đấu giá đất của huyện Kim Sơn và đoạn qua trung tâm thành phố Tam Điệp) đầu tư quy mô nền đường B=61 m với mặt đường chính gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, dải đất dự trữ ở giữa rộng 15 m và và đường gom hai bên; giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh B=70 m.
- Đối với các đoạn đi trùng đường ĐT.480E, đường khu đấu giá đất của huyện Kim Sơn và đoạn qua trung tâm thành phố Tam Điệp (chiều dài khoảng 3,5 km) đảm bảo quy mô 6-8 làn xe và các hạng mục phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt.
- Xây dựng các cầu, hệ thống an toàn giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng trên tuyến theo quy định.
3. Dự án thuộc nhóm A.
4. Tổng mức đầu tư dự án là 6.939 tỷ đồng
Cơ cấu nguồn vốn: Ngân sách tỉnh trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, trong đó: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 3.200,5 tỷ đồng; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 là 3.738,5 tỷ đồng; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 là 3.738,5 tỷ đồng.
5. Địa điểm thực hiện dự án: Huyện Kim Sơn, huyện Yên Mô và thành phố Tam Điệp.
6. Thời gian thực hiện dự án: Năm 2025 - 2028.
7. Tiến độ thực hiện dự án
Năm 2025: Hoàn thành công tác chuẩn bị dự án; tiến hành các bước thực hiện dự án.
Năm 2026-2028: Tiếp tục thực hiện và hoàn thành dự án.
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này đảm bảo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo các sở, ban, ngành, chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ (giai đoạn I) trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. Đồng thời, tổ chức thực hiện dự án theo hạn mức vốn được bố trí, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua.
Bạn đọc xem nội dung chi tiết Nghị quyết số 24/NQ-HĐND tại đây: 24-nqhd-1-20250328041843304300-vnpt-ca-signed-20250328041858-k42.pdf24-nqhd-1-20250328041843304300-vnpt-ca-signed-20250328041858-k42.pdf