Ninh Bình - Nơi mơ ước đến, mong ước về...
Hôm nọ ngồi với anh bạn là nhà báo quê Ninh Bình cũng đang ở Tây Nguyên, thấy anh hớn hở: Ninh Bình nhà mình dạo này oách rồi bác ạ. Hỏi oách sao, bảo giờ nó như Bình Dương của miền Đông và Bắc Ninh, Vĩnh Phúc của miền Bắc, tức là phát triển, tức là biết khai thác thế mạnh. Mà về thế mạnh, Ninh Bình có khi còn... mạnh hơn. Này nhé, rất gần thủ đô, đi tí là thấy Hồ Gươm, thuận tiện mọi nhẽ. Và du lịch, hỏi bác, xem nơi nào có điều kiện phát triển du lịch như Ninh Bình.
Lại nhớ một câu trong bài phát biểu của ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình ở kỳ họp HĐND tỉnh mới đây: “Cơ cấu lại giữa yêu cầu phát triển địa phương và khẳng định vai trò trung tâm vùng, quốc gia, quốc tế trên một số chuyên ngành: Trung tâm du lịch, trung tâm cơ khí ô tô, trung tâm chế biến rau quả, tổ chức sự kiện; bổ sung thêm những lĩnh vực như công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, hậu cần sinh thái; kiến tạo các lĩnh vực liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo ngành nghề mới nổi, giáo dục, y tế, công nghiệp công nghệ cao”.
Và té ra, khi đời sống phát triển, thì người ta lại muốn, lại cần tìm về với thiên nhiên nguyên bản, với những gì một thời gian dài, vì mưu sinh, vì đời sống khó khăn, bị khuất lấp, thậm chí bị khai thác theo hướng thực dụng, vì cái trước mắt đã. Thực ra cũng không thể trách được một thời như thế, cái thời mà ngay ở Hà Nội, những biệt thự, những nhà cổ rất đẹp rất cổ kính cũng bị chia ra, ngăn ô chia cho các gia đình ở, ở không ra ở, sống không ra sống, nhưng vẫn ở vẫn sống.
Lại nhớ lần tôi với ông đại tá, nhà văn quê Ninh Bình Sương Nguyệt Minh về quê, ông lôi tuột tôi về Ninh Vân thăm làng đá, rồi lại hăm hở ra cái chợ quê gần đấy, nơi có cây thị gần ngàn năm tuổi đương ngự và được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt. Ngắm cây thị thì ít nhưng ông tha thẩn ở chợ thì nhiều. Chợ quê, nhỏ, bán toàn đồ trong vườn, trong ao, trong ruộng, những mớ rau, mẻ cá nhỏ, con gà, con chó... Ông nhà văn cao lêu đêu đi lững thững như cây sào nhưng tới hàng nào cũng cúi xuống hỏi han đủ thứ, đặc biệt là hỏi... giá, rồi cứ kêu lên, ôi giời ơi sao rẻ thế, thế thì lúc nào bà con mới giàu. Và những ký ức Ninh Bình ấy, hiện diện rất rõ trong tác phẩm của ông dù hầu như nó chả có chữ Ninh Bình nào, như “Mười ba bến nước”, như “Người về bến sông Châu”...
Lại nhớ đến “Đi trốn” của Bình Ca, nhà văn và từng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Bằng cuốn sách rất hấp dẫn này, ông đã quảng bá cho du lịch Ninh Bình hết sức thành công. Có lẽ ở Việt Nam có 2 tỉnh có hang động có thể “cạnh tranh” nhau là Ninh Bình và Quảng Bình. Cả hai tỉnh giờ đều phát triển mạnh về du lịch. May mắn, tôi từng đến cả hai nơi, và đều nhận được ở những nơi ấy sự thân thiện dịu dàng. Nhưng Ninh Bình không chỉ có hang động, đất ấy còn những di tích lịch sử vừa thiêng liêng vừa đầy cảm xúc.
“Nhà văn trẻ” Đinh Ngọc Lâm, tôi gọi trẻ là gọi đùa vì ông hơn tuổi tôi, nhưng sáng tác thì trẻ, từng rất hào hứng nói cả buổi với tôi về các di tích lịch sử ấy. Té ra bác này, trước khi là nhà văn và về hưu thì từng là Bí thư Thị ủy Ninh Bình, là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình. Về hàm là quan to nhưng về đời, té ra bác cũng bông đùa dí dỏm phết: “Người ta nhan sắc để dành/ Em mang nhan sắc đành hanh với đời/ Thôi em! Trót mắc phận người/ Thả chùng cạp váy để trời thương em”. Nhưng trước tiền nhân thì ông hết sức tự hào: “Đinh-Lê hai triều tụ khí/ Lý -Trần nối nghiệp từ đây/ Hoa Lư một thiên sử ký/ Định danh non nước rồng bay!”, là để nói, với Ninh Bình, các văn nhân cũng là một kênh để lan tỏa, quảng bá.
Và tôi lại muốn dẫn một phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc về du lịch, về Tràng An nhân 10 năm trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới: “Xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ trực thuộc Trung ương, trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản quốc gia, quốc tế; một trong những địa phương đi đầu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam, tiêu biểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; xã hội phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc”. Thừa Thiên Huế quê nội tôi vừa được Quốc hội bấm nút quyết định để trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tư cách là thành phố di sản văn hóa. Thực ra, xét một mặt nào đó, Ninh Bình cũng có đủ tiêu chuẩn là địa phương di sản văn hóa, gồm cả thiên nhiên và lịch sử. Thì đây, vẫn Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc: “Những giá trị của di sản này được phát huy mạnh mẽ, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là nguồn lực nội sinh và động lực quan trọng để Ninh Bình vươn lên phát triển trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển; đưa Ninh Bình hội nhập vào mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; đồng thời, đóng vai trò hạt nhân, trung tâm, định hình phát triển hệ thống đô thị của tỉnh theo hướng đô thị di sản; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình theo đúng định hướng. Đó là: Phát triển “Nhanh, Bền vững, Hài hòa”, tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa-xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, chất lượng cao, gắn với các giá trị văn hóa-lịch sử-tự nhiên, nhất là truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An. Từ đó, Ninh Bình phát triển bứt phá, trở thành địa phương phát triển toàn diện, là tỉnh tự cân đối ngân sách từ năm 2022, có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước; là điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư”.
Cả nước ta đang bước vào “kỷ nguyên vươn mình”, tất nhiên Ninh Bình là không ngoại lệ, thậm chí tôi nghĩ sẽ đứng ở tốp đầu. Với những gì đã có, nhất là những di sản, trời cho cũng có, cha ông để lại cũng có, với những suy nghĩ hợp lý, hợp thời và những việc làm đúng hướng, đúng quy luật, những phát hiện lý thú, ví dụ như thế này: “Về quá trình tiến hóa địa chất, địa mạo đại diện cho sự hình thành và kiến tạo vỏ trái đất; về thẩm mỹ của cảnh quan tự nhiên tồn tại qua hàng triệu năm; về quá trình định cư, thích ứng liên tục của con người hơn 3 vạn năm lịch sử” là những giá trị nổi trội toàn cầu của Ninh Bình.
Bước vào “kỷ nguyên mới” với hành trang ấy, giá trị nổi trội toàn cầu ấy, tôi tin Ninh Bình sẽ là nơi mơ ước sống, mơ ước đến, mong ước về... của nhiều người, không chỉ trong nước. Và tôi cũng tin, “kỷ nguyên mới” ấy đang trong tầm tay người Ninh Bình chúng ta.
Viết đến đây, tôi nhận được thông tin nóng hổi: Thủ tướng Chính phủ công nhận khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư, trực thuộc tỉnh Ninh Bình đạt tiêu chí đô thị loại I, và ít ngày sau Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, thành phố Hoa Lư chính thức ra đời, trong đó, xã Ninh Mỹ quê ngoại tôi sẽ nằm trong khu vực nội thành. Từ khi được mẹ gửi về tránh bom ở hang Luồn (khoảng năm 1964-1965) tới nay, quê ngoại tôi đã bước những bước dài về phía no ấm, yên vui; và giờ, một bước ngắn nữa là “kỷ nguyên mới” đang chờ...