Ninh Bình: Không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới

'Không để nợ đọng xây dựng cơ bản, không chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới'- Nguyên tắc này đã được các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Do đó từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Đường giao thông ở xã Như Hòa (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

Đường giao thông ở xã Như Hòa (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

"Nói không" với nợ đọng xây dựng cơ bản

Kim Sơn là đơn vị cấp huyện cuối cùng của tỉnh Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nhưng là huyện đầu tiên thực hiện theo tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2026, do vậy các tiêu chí NTM phải thực hiện yêu cầu cao hơn. Tuy nhiên, đối với một huyện còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nhưng không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản là một bài toán khó đặt ra với huyện Kim Sơn.

Đồng chí Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Với chủ trương không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), Kim Sơn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực hợp lý, trong đó nguồn ngân sách nhà nước được sử dụng để thực hiện các công trình có tính chất tạo động lực, thu hút các nguồn lực khác. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, chủ đầu tư nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng; kiên quyết yêu cầu các đơn vị, địa phương không khởi công xây dựng các dự án mới nếu chưa thực sự cần thiết, chỉ khởi công các công trình khi đã cân đối đủ nguồn vốn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, rà soát, cân đối nguồn vốn nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải; đôn đốc các nhà thầu tập trung quyết toán các công trình đã hoàn thành, tránh tình trạng đã đưa vào sử dụng mà chưa được quyết toán, nợ đọng kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân.

Cùng với đó, huyện đã tập trung đẩy mạnh việc thực hiện đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lại quỹ đất phi nông nghiệp và tài sản công không có nhu cầu sử dụng đưa vào thanh lý đấu giá, tạo nguồn vốn xây dựng cơ bản. Cắt giảm quy mô, tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng triển khai thực hiện để quyết toán đối với các dự án do UBND cấp xã quyết định đầu tư có thời gian thực hiện kéo dài, không đảm bảo khả năng cân đối vốn để hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025.

Với nhiều cách làm sáng tạo huy động mọi nguồn lực hợp lý đóng góp vào quá trình xây dựng NTM, trong 12 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, từ nguồn đóng góp, ủng hộ của Nhân dân và nguồn đầu tư của Nhà nước, nhiều hạng mục công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao như: Hệ thống đường bê tông giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc. Năm 2022, Kim Sơn đã đạt chuẩn huyện NTM nhưng không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đồng bộ các giải pháp

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, theo đó, hệ thống chính trị các cấp của tỉnh Ninh Bình đã quyết tâm vào cuộc, cùng với sự đồng thuận, sáng tạo của người dân triển khai sâu rộng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và thu được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Yên Khánh đã tổ chức thành công lễ đón nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; huyện Yên Mô đang tập trung hoàn thiện hồ sơ thẩm tra huyện, xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. 119/119 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 542 thôn, xóm, bản đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Với phương châm "Không để nợ đọng xây dựng cơ bản, không chạy theo bệnh thành tích, không huy động quá sức dân trong xây dựng NTM", Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục siết chặt kỷ cương trong đầu tư xây dựng các công trình, dự án, tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư công, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí trong xây dựng NTM; thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công; huy động nguồn vốn từ ngân sách, bao gồm: Nguồn từ các Chương trình MTQG; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng NTM; tiền thu để lại 100% từ đấu giá quyền sử dụng đất cho các xã xây dựng NTM theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; nguồn vượt thu ngân sách tỉnh; ngân sách huyện, xã; nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và đầu tư các công trình đảm bảo thực hiện các tiêu chí NTM.

Đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phân bổ nguồn lực bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng ngân sách có hiệu quả, bố trí kịp thời nguồn vốn ngân sách hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian xét công nhận đạt chuẩn NTM.

Song song với đó, nguồn vốn ngân sách cho các địa phương đảm bảo theo cơ chế hỗ trợ tại Đề án của tỉnh và quy định của Trung ương; ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, xã đăng ký đạt chuẩn trong năm và xây dựng xã NTM kiểu mẫu; ưu tiên thanh toán nợ cũ, công trình cấp thiết, đồng thời hỗ trợ kinh phí mua xi măng làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn và hỗ trợ dồn điền đổi thửa đã hoàn thành. Đối với nguồn vốn của dân đóng góp, việc huy động đảm bảo dân chủ, công khai do người dân tự bàn bạc, quyết định, không áp đặt; mức đóng góp được HĐND xã thông qua.

Đặc biệt, tỉnh đã làm tốt việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn dưới sự giám sát và thực hiện trực tiếp của đại diện Ban giám sát đầu tư cộng đồng và người dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng với các sở, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM với nhiều hình thức đa dạng. Bố trí các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án do ngành làm chủ đầu tư để lồng ghép, đáp ứng mục tiêu xây dựng NTM.

Các địa phương đã xây dựng phương án và lộ trình thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trước khi bố trí cho các dự án khởi công mới; tổ chức rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương, hình thành quỹ đất để đấu giá tạo nguồn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Đối với các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM, tiến hành rà soát, xác định cụ thể các công trình cần thiết phải triển khai thực hiện, trước khi khởi công xây dựng phải xác định nguồn vốn, khả năng huy động cân đối vốn, tập trung ưu tiên đối với các công trình thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, đời sống của Nhân dân, đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn các tiêu chí NTM.

Kết quả, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giảm hằng năm, cụ thể: Năm 2016 giảm 23%; năm 2018 giảm hơn 25%; đến hết năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã giải quyết xong các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Một trong những mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa. Với khối lượng xây dựng cơ bản lớn thì những bài học kinh nghiệm trong việc nói không với nợ đọng xây dựng cơ bản thời gian qua sẽ rất có ý nghĩa để tỉnh ta cũng như các địa phương trong cả nước tiếp tục tổ chức thực hiện thành công Chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-khong-phat-sinh-no-dong-xay-dung-co-ban-trong-xay/d20240922220729254.htm
Zalo