Ninh Bình: đỉnh lũ sông Hoàng Long đạt trên mức báo động 3
Tin từ Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, hiện nay diễn biến lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Đáy (tỉnh Ninh Bình) đang lên nhanh đến mức báo động 3.
Sáng 11/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cho biết, mực nước sông Hoàng Long, sông Đáy lên cao, kết hợp với mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều khu dân cư trên địa bàn.
Cụ thể, mực nước lúc 13 giờ ngày 10/9/2024 tại Bến Đế là 4m (mức báo động 3), tại Gián Khẩu 3,61m (dưới báo động 3: 0,09m). Trên sông Đáy tại Ninh Bình 3,36 m (dưới báo động 3: 0,14m).
Dự báo, trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục lên, đêm nay đỉnh lũ tại Bến Đế có khả năng lên mức 4,50-4,70 m, trên báo động 3 từ: 0,50-0,70m; tại Gián Khẩu lên mức 4,00-4,20m, trên báo động 3 từ: 0,30-0,50m.
Trên sông Đáy tại Ninh Bình, mực nước tiếp tục lên, khả năng đạt đỉnh vào trưa chiều 11/9/2024, ở mức 3,50-3,80, trên báo động 3 từ: 0,0-0,30m. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 3
Cơ quan khí tượng thủy văn Ninh Bình cũng cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm: mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt diện rộng vùng bãi ven sông và các xã Gia Tiến, Gia Hưng, Gia Thịnh; 2 điểm trường tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh (ngoài đê) huyện Gia Viễn; vùng trũng thấp khu vực dân cư trên địa bàn các xã thuộc huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tập trung ứng phó mới mưa lũ.
Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các tổ chức và người dân có hoạt động trên sông, ven sông, bãi sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc biết để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện. Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút. Nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công dở dang theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có lũ. Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra. Hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho lúa và hoa màu.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra, yêu cầu các chủ phương tiện tổ chức neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo hành lang thoát lũ, an toàn giao thông đường thủy trên các tuyến sông. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.