Ninh Bình: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc trên địa bàn tỉnh là những dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng các nút giao kết nối đường cao tốc với hệ thống giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, trung tâm du lịch tỉnh; là cơ sở quan trọng để Ninh Bình kết nối mạng lưới giao thông đường bộ trong tỉnh và khu vực.

Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn vừa tiến hành phiên họp lần thứ 3.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải: Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài 15,2 km. Dự án có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định); điểm cuối kết nối với dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).

 Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng khi hoàn thành sẽ kết nối với đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng khi hoàn thành sẽ kết nối với đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Dự án do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đến nay Sở đã chỉ đạo tư vấn lập xong thiết kế kỹ thuật cho dự án; dự kiến tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình trong tháng 10/2024, tổ chức lựa chọn nhà thầu trong tháng 11, khởi công trong tháng 12/2024.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, có tổng chiều dài 25,3 km; điểm đầu tại nút giao Mai Sơn với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô. Điểm cuối tại Cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh. Tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án dự kiến giai đoạn 2024-2029.

Ngay sau khi được UBND tỉnh giao lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai lập tiến độ chi tiết cho từng hạng mục công việc đến thời điểm khởi công công trình.

Đến nay, đã hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; được UBND tỉnh phê duyệt dự án, trong đó giao cho Ban Quản lý các dự án giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, phấn đấu khởi công công trình vào tháng 12/2024.

Tại phiên họp, lãnh đạo các phòng ban và các đại biểu đã trao đổi, làm rõ tình hình, tiến độ triển khai, giải pháp thực hiện thời gian tới đối với cả 2 Dự án.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Đây là những dự án trọng điểm của tỉnh, của quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, kết nối đường cao tốc với hệ thống giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, trung tâm du lịch tỉnh; là cơ sở quan trọng để Ninh Bình kết nối mạng lưới giao thông đường bộ trong tỉnh và khu vực, phát huy hiệu quả sau đầu tư, tạo dư địa, không gian phát triển có tầm nhìn cho nhiều giai đoạn sau này của tỉnh Ninh Bình...

 Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.

Từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực theo đúng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch quốc gia.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình là dự án lớn nhất từ trước đến nay tỉnh Ninh Bình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư. Dự án thuộc nhóm A với khối lượng công việc rất lớn nhưng thời gian triển khai thủ tục đầu tư ngắn, gấp rút.

Cũng theo theo kế hoạch đề ra cuối tháng 12/2024, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình sẽ khởi công, do vậy thời gian không còn nhiều, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, các ngành liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo bài bản, đúng quy trình, quy định của pháp luật. Chủ động tham mưu bố trí nguồn vốn, các chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và giao đất tái định cư theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước.

Đối với 2 địa phương liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng là huyện Yên Khánh và huyện Yên Mô, ông Phạm Quang Ngọc yêu cầu cần thành lập ngay Hội đồng giải phóng mặt bằng; triển khai ngay việc lập dự án các khu tái định cư, lập hồ sơ mời thầu các đơn vị tư vấn lập dự án; các bước chuẩn bị khu tái định cư; phối hợp với Ban Quản lý giao thông giao mốc tại thực địa và tiến hành khâu kiểm đếm. Đồng chí cũng lưu ý các huyện cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để lựa chọn đơn vị tư vấn có chất lượng; tăng cường sự chủ động, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời gian, không để công việc chậm chễ vì sự phối hợp không chặt chẽ giữa cấp - ngành; giữa ngành với ngành.

Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của dự án, từ đó đồng thuận với chính quyền địa phương để tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ninh-binh-day-nhanh-tien-do-giai-phong-mat-bang-thuc-hien-cac-du-an-dau-tu-xay-dung-tuyen-duong-bo-cao-toc-post313537.html
Zalo