Ninh Bình: Đẩy mạnh du lịch ẩm thực - Bước đột phá thu hút du khách quốc tế
Ẩm thực Ninh Bình, với những món ăn đậm đà bản sắc Cố đô, đang trở thành điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế. Trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo và Công luận, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đã chia sẻ về vai trò, thành công và định hướng phát triển bền vững cho ngành du lịch ẩm thực của tỉnh.
- Xin chào Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, ông đánh giá thế nào về vai trò của du lịch ẩm thực trong việc phát triển ngành du lịch Ninh Bình? Yếu tố chính nào giúp ẩm thực Ninh Bình trở thành một điểm thu hút du khách quốc tế?
Trong bức tranh văn hóa, ẩm thực các vùng miền của Việt Nam, ẩm thực Ninh Bình cũng được biết đến với sự phong phú và tinh tế, với nhiều món ăn nổi tiếng, chứa đựng chiều sâu văn hóa, đậm nét truyền thống của vùng đất Cố đô, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như: thịt dê, cơm cháy, cá rô Tổng Trường, mắm tép, nem chua Yên Mạc…
Trong những năm gần đây, cùng với việc quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương tại các khu, điểm du lịch hay các trạm dừng nghỉ, các sản phẩm đặc sản có chất lượng còn đến gần hơn với du khách thông qua các hội thi ẩm thực, hội nghị, hội thảo hay hội chợ du lịch. Bên cạnh đó, một số đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh đã thiết kế, xây dựng một số tour gắn với trải nghiệm ẩm thực đặc sản phục vụ du khách.
Các tour này thường được xây dựng theo cách thức lồng ghép với tour du lịch nội tỉnh, du khách có thể tham gia vào một số công đoạn nấu (sản xuất) món ăn truyền thống và thưởng thức luôn tại điểm, bước đầu mang lại kết quả tích cực, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tính đến 7/2024 ước đạt trên 6.5 triệu lượt khách, tăng 33,80% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu từ du lịch đạt trên 6.269,3 tỷ đồng, tăng 47,58% so với năm 2023.
Có thể khẳng định, ẩm thực chính là một trong những thế mạnh của du lịch Ninh Bình. Và phát triển du lịch Ninh Bình dựa trên các yếu tố ẩm thực không chỉ là việc thu hút khách du lịch mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Trong hành trình tìm kiếm, quảng bá Top ẩm thực và Đặc sản Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam tổ chức, nhiều đặc sản Ninh Bình đã được công nhận là món ăn nổi tiếng của Việt Nam và kỷ lục châu Á như: dê núi Trường Yên, rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc, cơm cháy Ninh Bình và mắm tép Gia Viễn ...
- Ninh Bình đã có những chiến lược cụ thể nào để bảo tồn và phát huy các món ăn truyền thống trong bối cảnh hội nhập? Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà hàng và cơ quan nhà nước đã đóng góp gì cho công tác này ?
Tỉnh chú trọng phát triển ẩm thực để phát triển du lịch. Quy hoạch phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2030 xác định du lịch ẩm thực là một trong những nhóm sản phẩm du lịch của Ninh Bình trong thời gian tới. Từ đó nhiều nhiệm vụ giải pháp bảo tồn và phát huy các món ăn truyền thống được thực hiện nhằm đưa ẩm thực của Ninh Bình phục vụ khách du lịch.
Những năm gần đây, thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), tỉnh chỉ đạo các ngành, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm các món ăn truyền thống để công nhận sản phẩm OCOP đưa vào phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh các sản phẩm du lịch, các sản vật địa phương là những điểm nhấn, tạo sự ghi nhớ, nhận diện nét đặc trưng riêng của Ninh Bình. Những sản vật như cơm cháy, thịt dê, mắm tép, bún mọc Tố Như, rượu Kim Sơn,… chính là một trong những yếu tố nhận diện quan trọng của Ninh Bình. Đã có nhiều sản vật xây dựng thương hiệu phù hợp, đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch.
Giai đoạn 2015-2023, tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm đặc thù, đặc sản: hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu tập thể, 15 nhãn hiệu chứng nhận và 564 nhãn hiệu.
Đáng chú ý là việc phối hợp phục hồi và xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho một số sản phẩm đặc sản như: Khoai sọ Yên Quang, Dứa Đồng Giao, Dê núi Ninh Bình, Cơm cháy, mắm tép Gia Viễn, Ngao Kim Sơn, Chè Ba Trại Quang Sỏi, Cá rô Tổng Trường, Trà Hoa Vàng,... Thương hiệu của các doanh nghiệp, của các sản phẩm du lịch được xây dựng và củng cố sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển thương hiệu du lịch chung của tỉnh.
Tỉnh thường xuyên tổ chức dự án, các lớp tập huấn về ẩm thực cho các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc bảo tồn và phát huy những hương vị truyền thống bản địa, trang bị các kỹ năng chế biến, nấu ăn, pha chế, trình bày món ăn sao cho hấp dẫn, tạo ấn tượng, sự yêu thích cho du khách.
Bên cạnh đó, các kỹ năng thuyết minh, giới thiệu về ẩm thực của các địa phương cũng được tăng cường thông qua các nội dung thực hành do chính người dân làm du lịch cộng đồng trực tiếp tham gia. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm không ngừng quảng bá những tinh hoa ẩm thực Ninh Bình tới du khách, qua đó tiếp tục thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển.
Ngành Du lịch cũng đã thành lập Chi hội nhà hàng du lịch với phương châm đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, mở rộng thị trường… sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá văn hóa ẩm thực tới bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách, gia tăng doanh thu và xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến cho du lịch Ninh Bình.
Các sở, ban ngành trong tỉnh phối hợp với Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp trong tỉnh, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu ẩm thực Ninh Bình thông qua các phương tiện đại chúng (báo, đài truyền hình), các trang mạng xã hội, hội chợ, hội thảo, các hội thi ẩm thực, hội thi đầu bếp… tích cực giới thiệu ẩm thực Ninh Bình tới đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
- Ông nghĩ sao về xu hướng ẩm thực bền vững? Ninh Bình đã có những bước đi nào để phát triển ngành du lịch ẩm thực xanh, bền vững?
Ẩm thực bền vững là xu hướng tất yếu của thời đại khi nền công nghiệp ăn uống hiện nay đang có không ít ảnh hưởng tới vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Người tiêu dùng hiện đang cân nhắc nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường, bên cạnh chăm sóc sức khỏe cá nhân khi mua thực phẩm.
Đáp ứng xu hướng này, nhiều nhà hàng khách sạn trên địa bàn tỉnh đang hướng tới mục tiêu phục vụ những loại thực phẩm bền vững, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và bảo vệ môi trường. Họ sử dụng nguyên liệu sản xuất tại địa phương theo phương pháp thân thiện với môi trường và thực đơn thay đổi theo mùa.
Những đặc sản nổi tiếng của Ninh Bình gồm: Khoai sọ Yên Quang, Dứa Đồng Giao, Dê núi Ninh Bình, Cơm cháy, mắm tép Gia Viễn, Ngao Kim Sơn, Chè Ba Trại Quang Sỏi, Cá rô Tổng Trường, Trà Hoa Vàng, bún mọc Tố Như, rượu Kim Sơn...
Nhiều nhà hàng trên địa bàn tỉnh đã tự xây dựng trang trại riêng hình thành mô hình “farm to table” (từ trang trại đến bàn ăn) hoặc mua trực tiếp từ các nhà sản xuất mà không thông qua các bên bán buôn khác để đảm bảo phục vụ đồ ăn an toàn cho khách du lịch (Nhà hàng Thanh Nga, Khu du lịch vườn chim Thung Nham…).
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ du lịch là một trong những chủ trương mà tỉnh hướng tới. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn được các chủ thể chú trọng khâu thiết kế bao bì, mẫu mã, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc.
Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch, kết hợp các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn với khám phá đặc sản ẩm thực của địa phương để quảng bá văn hóa địa phương, thu hút khách du lịch đến Ninh Bình.