Nín thở qua đoạn đường bị sạt lở như vực thẳm
Đường Lê Hồng Phong (đoạn qua thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) đã nhiều năm bị sạt lở nghiêm trọng như 'vực thẳm' nguy hiểm, bẫy người tham gia giao thông.

Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Khoảng 4 năm trước, mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên đoạn đường Lê Hồng Phong (thị trấn Ia Ly). Tình trạng sạt lở ngày càng lan rộng sau những trận mưa lớn. Hiện nay, hố sạt lở đã ăn sâu vào tim đường gần 2 m, tạo ra vực sâu hàng chục mét, cuốn trôi nhiều cây cối và hoa màu của người dân.
Nhìn hố sạt lở ngày càng lan rộng, ông Lê Văn Yên đang rất lo lắng cho căn nhà của mình bị ảnh hưởng. Bởi gần một năm trước, phần móng nhà bếp của ông đã bị sụt lún và đổ sụp. Đầu năm 2025, căn nhà chính tiếp tục bị sạt đến phần chân móng.
“Mỗi trận mưa lớn tôi chả dám ngủ, sợ đất sạt lở ảnh hưởng tới căn nhà. Gia đình đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy khắc phục", ông Yên nói.
Ông Rơ Châm Vân - Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly - cho biết đường Lê Hồng Phong là đường giao thông quan trọng dẫn vào Trạm OPY 500kV và khu sản xuất của hàng trăm hộ dân. Đường này thuộc quản lý của điện lực, huyện đã nhiều lần kiến nghị khẩn trương khắc phục.
Theo ông Vân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kiểm tra và dự kiến xây dựng tuyến kè với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, nhưng do kinh phí lớn nên công trình chưa được thực hiện.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn, UBND thị trấn Ia Ly và Công ty Thủy điện Ia Ly đã lập rào chắn và dựng biển cảnh báo tại khu vực sạt lở, đồng thời thông các rãnh nước hai bên đường để hạn chế sạt lở thêm.
Theo báo cáo của Công ty Thủy điện Ia Ly, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cử chuyên gia đến hiện trường để đánh giá mức độ sạt lở. Tuy nhiên, do phạm vi sạt lở rộng và địa chất phức tạp, cần có thời gian để nghiên cứu và đưa ra giải pháp.


Vực sâu khiến người dân, học sinh lo lắng lúc qua lại.

Thị trấn Ia Ly kè đá, chăng dây tạm bợ để ngăn người dân không lao xuống vực.


Những căn nhà sát với vị trí sạt lở đã bị nứt.

Việc khắc phục việc sạt lở khó khăn do cần một lượng đất lớn để đắp bù.