Niên vụ mía 'ngọt' nhưng chưa trọn vẹn
Trong niên vụ 2023 – 2024, sản lượng mía đường Việt Nam đạt kết quả tích cực nhờ mở rộng vùng nguyên liệu mía, giúp doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thuận lợi. Dù vậy, ngành mía đường Việt Nam vẫn gặp khó trước nạn đường nhập lậu tăng trong khi thiếu nguồn cung ứng nội địa.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), vụ ép mía 2023-2024 dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động với công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Theo báo cáo từ các nhà máy này, sản lượng mục tiêu niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ tăng trưởng so với niên vụ trước. Cụ thể, diện tích mía thu hoạch ước đạt hơn 159.000 ha (tăng 12% so với cùng kỳ), sản lượng mía chế biến đạt hơn 10,9 triệu tấn (tăng 13%), sản xuất hơn 1 triệu tấn đường các loại (tăng 10%).
Sản lượng và diện tích mía gia tăng nhờ giá thu mua mía ổn định với mức 1,1 – 1,3 triệu đồng/ tấn. Mức giá này tương đương so với các nước trong khu vực, giúp nông dân yên tâm mở rộng vùng nguyên liệu và ngăn chặn tình trạng mất giá sau vụ thu hoạch.
Theo phân tích của một số công ty chứng khoán, giá đường Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến cung – cầu trong nước, ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá thế giới trong ngắn hạn. Nguyên nhân là do chính sách quản lý tốt đường nhập khẩu và phòng vệ thương mại của Nhà nước.
Trong dài hạn, giá đường trong nước sẽ biến động giảm theo giá đường thế giới, nhưng vẫn cao hơn với mức giá trung bình niên vụ 2019 – 2021.
Lợi nhuận phân hóa, có doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng bằng lần
Phần lớn doanh nghiệp mía đường có niên độ tài chính trùng với vụ mía, bắt đầu từ 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp niêm yết trong ngành đã có kết quả kinh doanh quý IV và cả năm tài chính 2023-2024. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ. Kinh doanh mía đường khởi sắc do hưởng lợi từ yếu tố lạc quan của giá cùng với các biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công thương.
Chiếm 46% thị phần đường trong nước, Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã: SBT) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/4/2024 - 30/6/2024) với doanh thu thuần đạt 9.490 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp chỉ tăng gần 5%, đạt 906 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 12,7% xuống còn 9,5%.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của TTC AgriS trong quý cuối niên độ đạt 214 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với con số 71 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ trước. Đây cũng là kết quả cao nhất của đơn vị này trong 6 quý trở lại đây.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, lợi nhuận quý IV tăng mạnh nhờ công ty mở rộng quy mô hoạt động, giúp doanh thu tăng cao, cùng với việc chi phí lãi vay giảm trong bối cảnh lãi suất hạ nhiệt.
Tính chung cả niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/7/2023 - 30/6/2024), TTC AgriS đạt doanh thu hơn 29.000 tỷ đồng, tăng 17% so với niên độ tài chính trước; lợi nhuận trước thuế 906 tỷ đồng, tăng 26%; lợi nhuận sau thuế 796 tỷ đồng, tăng 32%.
Niên độ 2023-2024, SBT đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 20.622 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, tăng 18%. Như vậy, công ty đã vượt kế hoạch cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Kết quả khả quan cũng được thể hiện tại Mía đường Sơn La (mã: SLS). Doanh thu thuần quý IV đạt 551 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, trong khi giá vốn hàng bán giảm nhẹ xuống còn 317,5 tỷ đồng, giúp lãi gộp đạt 234 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng từ 42% lên 42,5%.
Kết quả, SLS báo lãi sau thuế 235 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận trong quý thậm chí cao hơn kế hoạch kinh doanh cả năm của doanh nghiệp.
Tính chung cả niên độ 2023-2024, công ty mía đường lớn nhất nhì tại Sơn La ghi nhận doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng, giảm 16%, nhưng lãi sau thuế đạt 526 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đây là mức lãi cao nhất từ trước đến nay của công ty kể từ khi niêm yết. Kết quả này cũng giúp doanh nghiệp vượt tới 284% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tuy vậy, cũng có không ít doanh nghiệp khác trong ngành ghi nhận lợi nhuận và doanh thu giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất có tính chất thời vụ khiến nguồn cung ứng chủ yếu dựa vào hàng tồn kho từ niên vụ trước hoặc do phát sinh chi phí tài chính cao.
Như tại Đường Quảng Ngãi (mã: QNS), doanh thu quý này đã giảm 11%, lợi nhuận giảm 3% so với cùng kỳ. Theo giải trình, mảng sản lượng tiêu thụ đường của QNS trong nửa đầu năm nay giảm 11%, nhưng biên lãi gộp đã được cải thiện nhờ kiểm soát chi phí sản xuất. Ngược lại, mảng sữa có sản lượng tiêu thụ tăng 3%, nhưng do ảnh hưởng của lạm phát và giá năng lượng tăng cao dẫn đến giá nguyên vật liệu tăng, khiến biên lãi giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên đây cũng là kết quả tích cực nhất của doanh nghiệp trong vòng 4 quý trở lại đây.
Tương tự, Đường Kon Tum (mã: KTS) ghi nhận lợi nhuận giảm 14% do chi phí bán hàng tăng hơn gấp đôi, từ 1,1 tỷ trong kỳ này năm ngoái lên gần 2,5 tỷ đồng, chủ yếu do sự tăng mạnh của chi phí dịch vụ mua ngoài.
Đường nhập lậu vẫn là thách thức
Đầu năm 2024, gian lận thương mại đường nhập khẩu diễn ra liên tục tại Việt Nam với con số ghi nhận lên đến hàng trăm tấn đường lậu, chủ yếu từ Thái Lan. Mặc dù đã có sự tăng cường kiểm soát, song các đối tượng hoạt động phức tạp và tinh vi, gây khó khăn trong việc ngăn chặn đường nhập lậu.
Điều này gây khó khăn cho nguồn đầu ra làm tăng lượng tồn kho, thiệt hại chuỗi liên kết sản xuất của doanh nghiệp và nông dân trồng mía. Ngoài ra, đường lậu còn gây thất thu thuế, tạo lực cản kìm hãm tốc độ phát triển của sản xuất mía đường trong nước.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tháng 7, thị trường trong nước phản ánh sức cầu sản phẩm đường rất thấp. Trong khi đó, nguồn cung đường nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN, và đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2023, 2024 lại rất dồi dào.
Trao đổi với phóng viên Doanhnhan.vn, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA cho hay, lượng đường nhập lậu này chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, đi theo con đường từ Campuchia và Lào vào thị trường nội địa. Đây là loại đường bán phá giá, nên đường nội địa khó có thể cạnh tranh được.
Tính đến 30/7, khoảng 60% lượng đường sản xuất của vụ 2023 - 2024 vẫn còn đang nằm trong các kho của các nhà máy đường. Như vậy tổng hợp các nguồn cung đường năm 2024 bao gồm đường sản xuất từ mía, đường nhập khẩu kinh doanh chính ngạch, đường nhập lậu, đường lỏng si rô ngô HFCS đều ghi nhận tương đương hoặc tăng so với cùng kỳ. Năm 2023 đã thừa cung, và tình hình thừa cung tương tự dự báo sẽ diễn ra trong năm 2024.
Nhận định tháng 8 và dự báo trong các tháng cuối năm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng nguồn cung đường dồi dào từ nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN, và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2023/2024 trong khi sức cầu kém vì thị trường bị thu hẹp khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung, khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho.