Niêm yết giá tại chợ truyền thống - vấn đề còn nan giải

Việc niêm yết giá được quy định tại Luật Giá năm 2012 và Nghị định 177/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ. Theo đó, trên địa bàn tỉnh, từ ngày 1-1-2014, việc niêm yết giá được triển khai bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, việc thực hiện niêm yết giá chủ yếu mới được triển khai thực hiện tại các siêu thị, trung tâm thương mại; tại hệ thống chợ truyền thống, vấn đề này còn khá nan giải.

Một quầy hàng bán đồ trang sức tại Chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa) đã thực hiện niêm yết giá với tất cả các mặt hàng.

Tại chợ huyện Nga Sơn có hàng trăm gian hàng kinh doanh cố định. Đây là một trong những chợ buôn bán, kinh doanh có truyền thống lâu đời và sầm uất. Các mặt hàng tại chợ khá đa dạng, từ quần áo, giày dép, túi xách, văn phòng phẩm đến thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn... Tuy nhiên, việc thực hiện niêm yết giá đối với các loại hàng hóa vẫn chưa được thực hiện. Tại một quầy bán quần áo trẻ em với hàng trăm mẫu mã phong phú, song giá thành sản phẩm được chủ quầy đọc “tùy hứng”. Khi được hỏi đến vấn đề niêm yết giá cho sản phẩm, chị M.T.H., chủ quầy, cho biết: Do hàng mới nhập về, số lượng khá nhiều nên cửa hàng chưa niêm yết kịp. Đồng thời, thói quen của người dân đi chợ là phải trả giá nên việc niêm yết giá đôi khi cũng không thực sự hiệu quả, chỉ mang tính... hình thức.

Vấn đề niêm yết giá chưa hiệu quả không chỉ tồn tại ở các chợ khu vực nông thôn mà ngay tại các chợ lớn, có tiếng ở khu vực thành phố, tình trạng cũng không mấy khác biệt. Tại chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa), được đánh giá là một trong những chợ thực hiện việc niêm yết giá sớm nhưng hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Ông Lê Viết Đang, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Tân Thành Phát, Phó Ban Quản lý chợ Tây Thành, cho biết: Để thực hiện niêm yết giá đối với các sản phẩm thương mại, ngay khi Luật Giá năm 2012 và Nghị định 177/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, ban quản lý chợ đã phối hợp với ban quản lý ngành hàng - đại diện cho hệ thống tiểu thương bán hàng tại chợ triển khai, soạn thảo quy chế niêm yết giá và tuyên truyền, yêu cầu các hộ tiểu thương thực hiện. Tuy nhiên, tại chợ chỉ có khoảng 80% số hộ thực hiện đúng, nghiêm về quy định niêm yết giá, phần còn lại vẫn đối phó. Trong khi bán hàng, chủ quầy sẽ thương lượng, thỏa thuận với khách hàng về giá bán nên ban quản lý khó phát hiện, xử lý. Trung bình ban quản lý chỉ phát hiện và xử lý khoảng 20 - 30 vụ vi phạm giá/năm. Trao đổi với chúng tôi, bà Định Thị Năm, tiểu thương kinh doanh giày, dép, cho biết: Quy định về niêm yết giá chúng tôi có biết và đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do thói quen mặc cả của khách hàng và nhu cầu “đẩy” hàng tồn của các chủ quầy nên đôi khi giá bán sẽ lệch so với giá niêm yết.

Khảo sát thực tế tại nhiều chợ truyền thống, như: chợ Chiều (Hậu Lộc), chợ Giáng (Vĩnh Lộc), chợ Nam Thành (TP Thanh Hóa)... nhận thấy, bằng cách “phớt lờ” việc niêm yết giá, các tiểu thương kinh doanh tại chợ thường định giá sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Sự thiếu minh bạch về giá tại chợ khiến cho một bộ phận người tiêu dùng trở nên e ngại khi mua hàng hóa tại chợ. Chị Đỗ Thị Lý, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Khi mua hàng tại chợ, nếu không mặc cả, hoặc mặc cả ít thì dễ bị mua đắt, còn nếu mặc cả nhiều thì người bán khó chịu. Cũng vì lý do này, ngoài các mặt hàng thực phẩm tươi sống, tôi ít khi mua sắm hàng hóa tại chợ mà chủ yếu mua tại các siêu thị hoặc cửa hàng quen thuộc.

Bên cạnh việc không thực hiện niêm yết giá, tại một số chợ, việc triển khai niêm yết giá lại mang tính hình thức nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Với cách buôn bán mà giá cả do người kinh doanh tự định đoạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng “tát nước theo mưa” khi thị trường biến động. Đơn cử như, có thời điểm giá xăng dầu tăng, các loại mặt hàng bán tại chợ mặc dù không bị tác động trực tiếp từ xăng dầu, hoặc các mặt hàng như quần áo, giày dép... đã được cửa hàng nhập hàng về từ trước đó vẫn mặc nhiên tăng giá bán theo tâm lý đám đông... ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, một bộ phận lớn khách hàng đã dịch chuyển từ tiêu dùng tại chợ sang những hình thức thương mại văn minh, hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh...

Theo quy định của pháp luật, hành vi không niêm yết giá sản phẩm, niêm yết giá không rõ ràng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho vi phạm lần đầu; 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với vi phạm lần 2. Hàng năm, Cục Quản lý thị trường cùng các ngành liên quan cũng đã tổ chức một số đợt kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường, 3 tháng đầu năm 2021, thông qua kiểm tra đã phát hiện 183 trường hợp vi phạm về giá, xử phạt hàng trăm triệu đồng. Song, có lẽ mức phạt về gian lận trong lĩnh vực niêm yết giá chưa đủ sức răn đe nên chưa có tác động, làm thay đổi hành vi kinh doanh của tiểu thương, nhất là tại các vùng nông thôn.

Để khắc phục trình trạng vi phạm về niêm yết giá, các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực giá và thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc thay đổi thói quen, hành vi mua, bán của người tiêu dùng và nhà kinh doanh sẽ góp phần làm trong sạch, lành mạnh thị trường, thúc đẩy sản xuất, giao thương phát triển, hướng đến xây dựng văn minh thương mại.

Lê Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/niem-yet-gia-tai-cho-truyen-thong-van-de-con-nan-giai/134476.htm
Zalo