Niềm vui của sự bình an
Xưa nay 'tậu trâu, lấy vợ, làm nhà' là những việc hệ trọng cần làm... Với mỗi người, khi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc không còn phải lo gánh nặng về nhà ở. Ngôi nhà là nguồn lửa ấm áp để họ yên tâm lao động sản xuất, tạo dựng đời sống mới.
1. Sau 2 năm thực hiện “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có đồng bào sinh sống trên sông đã quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bố trí cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 183 hộ với tổng kinh phí khoảng 71 tỷ đồng; trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng gần 19 tỷ đồng, hỗ trợ làm nhà hơn 52 tỷ đồng.
Cùng dạo bước dọc tuyến đường nơi có 28 căn nhà ở xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) đã được xây dựng khang trang, ông Phạm Mạnh Toàn, Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ nhớ lại thời điểm cách đây hơn một năm rưỡi trước: Sau khi chọn được khu đất có diện tích hơn 1ha làm khu tái định cư; tranh thủ các nguồn lực, cùng với sự hỗ trợ của MTTQ tỉnh, Tổ chức Caritas thuộc Tòa Giám mục Thanh Hóa, mỗi hộ gia đình được trao 150 triệu hỗ trợ xây dựng nhà. Và rất nhanh thôi, chỉ hơn 3 tháng từ lúc khởi công, khu tái định cư cho 28 hộ dân nghèo làng chài Thủy Cơ đã được hoàn thiện.
Dù sống trong ngôi nhà mới đã 18 tháng nhưng 6 thành viên hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nga vẫn lâng lâng niềm vui. “Từ nhỏ đến lớn ở dưới sông khổ quá, giờ lên bờ sống không lo gió bão chi nữa”. Căn nhà thoáng mát, khang trang ấy không chỉ là chỗ trú chân khi nắng lúc mưa, mà còn là niềm hy vọng cô con gái Nguyễn Thị Trang sẽ học cao hơn anh chị nó.
Chả là chị Nga có 3 đứa con, 2 đứa lớn cố gắng lắm cũng chỉ học hết lớp 8. Ngày 4 cữ đưa và đón con từ thuyền lên bờ, quá vất vả. Đó là còn chưa kể, nghề làm cát, sống dưới thuyền như chị Nga, 1 - 2 năm lại chuyển dịch sang một nơi. Con cái cũng không thể học cố định một trường. Nhưng bé Nguyễn Thị Trang, học sinh lớp 6 Trường THCS Thiệu Vũ thì khác, nay em chủ động đạp xe vèo vèo đến lớp.
Về nhà mới, chị Nga còn cưới vợ cho con trai. Có dâu, có cháu cuộc sống lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười.
Dẫu rằng, một cuộc sống hoàn toàn mới đối với gia đình chị Nga và 27 hộ dân làng chài Thủy Cơ bao đời quen với sông nước sẽ không dễ dàng. Nhưng họ không đơn độc. Được trao đất, hỗ trợ xây nhà, sau khi lên bờ họ vẫn đang tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đưa dân lên bờ, không chỉ là một nhiệm vụ chính trị, mà còn chính là mệnh lệnh từ trái tim của một cộng đồng không để ai ở lại phía sau trong quá trình phát triển. Với những người dân làng chài Thủy Cơ, “lên bờ” là niềm vui lớn nhất trong đời, niềm vui vì nhìn thấy tương lai con trẻ rồi sẽ khác.
2. Đứng đầu về hoàn thành tái định cư xen ghép theo Quyết định 4845/QĐ-UBND ngày 1/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về Phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án 4845), đối với huyện Quan Hóa là cả một hành trình tập trung, nỗ lực.
Nằm cách trung tâm xã gần 10km, là bản khó khăn nhất trên địa bàn xã Phú Xuân, bản Vui hiện có 115 hộ/518 khẩu, trong đó có 37 hộ nghèo. “Qua rà soát, bản có 5 hộ được hỗ trợ theo Đề án 4845, trong đó 2 hộ ông Hà Văn Hùng, Hà Văn Chanh đã hoàn thành xây dựng nhà ở; 2 hộ đang chuẩn bị xây dựng là Hà Văn Thiệp và Hà Văn Bướng, riêng hộ Hà Văn Tớm đang dần hoàn thiện để chuẩn bị đón tết trong căn nhà mới.
Trước đây, sống trong nhà gỗ cũ mối mục lại nằm ngay bên cạnh suối Vui, lúc nào gia đình ông Hà Văn Tớm cũng canh cánh nỗi lo sạt lở... Nay, được hỗ trợ 80 triệu đồng từ Đề án 4845 và Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (gọi tắt là Chỉ thị số 22), gia đình ông Tớm đang trong quá trình hoàn thiện ngôi nhà gần 100m2 ở vị trí an toàn. Có đất, lại thuộc diện hỗ trợ, ông Hà Văn Tớm đã vay mượn thêm người thân xây dựng ngôi nhà mới. “Khi có công việc mình mới hiểu tình làng nghĩa xóm ý nghĩa thế nào. Nhờ sự thăm hỏi, giúp đỡ ngày công của bà con nên chi phí đã giảm đi rất nhiều”.
Bí thư kiêm trưởng bản Vui Hà Văn Tuấn cho biết: Bản Vui vẫn còn khá nhiều hộ nghèo, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi mong rằng, tiếp sau đây, một số hộ dân đang sống trong những căn nhà tạm bợ sẽ được hỗ trợ để xây dựng nhà, đảm bảo ổn định cuộc sống.
Dự kiến trước Tết Dương lịch xã Phú Xuân sẽ có 9 hộ dân hoàn thành xây dựng nhà tái định cư theo hình thức xen ghép. “Có nhà mới, chúng tôi được ngủ ngon mỗi đêm”, đó là câu nói của ông Hà Văn Chanh mà tôi nhớ nhất. Hơn cả niềm vui, sự an yên mới là điều mà những người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa mong chờ nhất.
3. Chỉ thị số 22 đã mở ra những niềm hy vọng cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo báo cáo, tổng số hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trong 2 năm 2024-2025 trên địa bàn tỉnh là 15.438 hộ (xây mới là 10.750 hộ; sửa chữa là 4.688 hộ).
Sau hơn 8 tháng, kể từ ngày 30/3/2024 đến ngày 5/12/2024, tổng kinh phí ủng hộ tiếp nhận về Ủy ban MTTQ Việt Nam 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) là hơn 226 tỷ 529 triệu đồng. Kinh phí các cấp đã phân bổ hỗ trợ xây dựng nhà là hơn 145 tỷ 789 triệu đồng. Tổng số nhà khởi công theo Chỉ thị số 22 và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án 4845 là 3.697 căn, đã hoàn thành 1.998 căn nhà.
Ông Nguyễn Văn Quyên (sinh năm 1963) thôn Chí Phúc, xã Hà Sơn (Hà Trung) ở một mình, không vợ không con. Ông thuộc hộ nghèo và là đối tượng người khuyết tật nặng. Cả đời sống trong ngôi nhà rất tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào nhưng ông cũng không bao giờ dám mơ một mái nhà kiên cố. Với tinh thần tương thân, tương ái và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, một mạnh thường quân đã hỗ trợ ông 100 triệu để xây nhà.
“Ngôi nhà này xây hết 100 triệu. Ngoài số tiền được hỗ trợ 100 triệu, anh em họ hàng còn ủng hộ tôi 10 triệu và một số đồ lặt vặt trong gia đình” - ông Quyên vừa nói vừa ứa nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của sự hạnh phúc.
Nhiều giấc mơ chỉ có trong truyện cổ tích mới trở thành hiện thực. Nhưng với ông Quyên, có nhà là sự thật đẹp nhất trong đời. Ông chia sẻ: “Tôi chẳng biết mình sẽ sống bao năm nữa, nhưng được ở trong ngôi nhà kiên cố này là tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Nhà mới, niềm vui mới. Ít nhất họ không phải trở mình liên tục trong những đêm giá rét, không giật thon thót khi nghe đài báo mưa bão... Ở trong ngôi nhà kiên cố, cảm giác an tâm, vui như tết.