Niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư
Ngày 4-1, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, trong cả năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023.
Cùng kỳ, vốn thực hiện ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế đến ngày 31-12-2024, cả nước có 42.002 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Việc suy giảm vốn đăng ký mới là dấu hiệu không thể không lưu ý. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn cơ cấu vốn có thể thấy, trong khi số vốn đăng ký mới, vốn góp, mua cổ phần có sự suy giảm thì tổng vốn bổ sung vào các dự án đang hoạt động đạt gần 14 tỷ USD, tăng tới 50,4%. Cùng với số vốn giải ngân đạt mức kỷ lục, đây là những tín hiệu quan trọng cho thấy niềm tin kinh doanh mạnh mẽ của nhà đầu tư. Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng và công nghệ cao được triển khai, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Các đối tác truyền thống như Singapore và Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, trong khi các địa phương với hạ tầng tốt và chính sách ưu đãi như Bắc Ninh, Hải Phòng, TPHCM dẫn đầu trong thu hút vốn. Khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước với khoảng 20,49 tỷ USD và tiếp tục là bệ đỡ quan trọng cho xuất khẩu với mức xuất siêu 23,8 tỷ USD.
Đặc biệt, các nhà đầu tư đã đầu tư vào 18 trong số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 66,9% tổng vốn đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản tuy xếp thứ 2 nhưng chỉ còn chiếm 16,5% tổng vốn đăng ký. Nếu như năm 2023, lĩnh vực bán dẫn tuy đã có một số dự án đi vào hoạt động như Amkor, HanaMicron… nhưng chưa “bùng nổ” thì trong năm 2024, nhiều cam kết có ý nghĩa nền móng đã được hiện thực hóa. Đáng chú ý hơn cả là việc tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) trở lại Việt Nam và chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. NVIDIA cũng đã chính thức “bén rễ xanh cây” tại Việt Nam thông qua việc mua lại VinBrain của Vingroup. Tỷ phú Jensen Huang chia sẻ: “Con người Việt Nam, những cơ hội tại Việt Nam là lý tưởng để đầu tư ngay hôm nay”.
Có lẽ Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA không nói quá. Nhiều nhà đầu tư khác có cùng quan điểm với ông, mà bằng chứng là “người đồng hương” Amkor, một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đóng gói và kiểm tra bán dẫn, đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD vào nhà máy ở Bắc Ninh trong năm 2024, sớm hơn tới 11 năm so với kế hoạch ban đầu (năm 2035)… Không muốn chậm chân, nhà đầu tư Hàn Quốc LG Display tiếp tục tăng vốn thêm 1 tỷ USD; Samsung Display cam kết đầu tư thêm 1,8 tỷ USD; Foxconn, Goertek và nhiều tên tuổi lớn khác đã hé lộ những “kế hoạch tỷ USD” trong lĩnh vực bán dẫn.
Đó là chưa kể các kế hoạch xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế và khu vực ở TPHCM và Đà Nẵng; các khu thương mại tự do ở nhiều địa phương như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…
Cần phải nói thêm rằng dòng đầu tư nước ngoài toàn cầu vẫn đang trong xu hướng suy giảm, cộng với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thu hút đầu tư giữa các nền kinh tế. Với phương châm “trọng chất hơn lượng”, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2025 vừa mở ra trước mắt.