Niềm tin Công lý (Tập 3): Phán quyết xoa dịu nỗi đau

Không dễ dàng để Hội đồng xét xử (HĐXX) có thể đưa ra một phán quyết vừa nhân đạo, nhân văn, lại vừa có tính răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. Đặc biệt, trong vụ án người mẹ giao xe cho con không có giấy phép lái xe mô tô, và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra đối với chính con mình.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng quan tâm đến pháp luật và công lý, Chương trình truyền hình Niềm tin Công lý ra đời như một nhịp cầu kết nối giữa người dân và pháp luật thông qua các tình huống pháp lý điển hình. Sau thành công của hai số phát sóng đầu tiên, Niềm tin Công Lý tiếp tục trở lại với số thứ 3, mang đến một câu chuyện pháp lý đầy cảm xúc và bài học giá trị.

Người phụ nữ đã giao xe máy cho con trai khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, mà không lường trước được hiểm họa đang chờ đợi cả gia đình mình.(Hình ảnh phục dựng)

Người phụ nữ đã giao xe máy cho con trai khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, mà không lường trước được hiểm họa đang chờ đợi cả gia đình mình.(Hình ảnh phục dựng)

Trong tập này, là câu chuyện bi kịch của một người mẹ- cũng chính là bị cáo trong vụ "giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Bị cáo đứng trước tòa không chỉ đối diện với sự phán xét của pháp luật mà còn phải đối mặt với chính lương tâm mình trong quãng đời còn lại.

Người mẹ ấy, như bao người phụ nữ khác, chỉ mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Trong một khoảnh khắc nuông chiều, bị cáo đã giao chiếc xe máy cho con trai khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, mà không lường trước được hiểm họa đang chờ đợi cả gia đình mình. Tai nạn xảy ra không chỉ cướp đi sinh mạng của con người phụ nữ ấy mà kéo theo 3 nạn nhân khác. Trước tòa, bị cáo run rẩy, nước mắt không ngừng rơi khi nhắc lại những gì đã xảy ra, sự hối hận dường như bóp nghẹt trái tim.

Những hành động thiếu hiểu biết về pháp luật và gây hậu quả nghiêm trọng.(Hình ảnh phục dựng)

Những hành động thiếu hiểu biết về pháp luật và gây hậu quả nghiêm trọng.(Hình ảnh phục dựng)

Không gì đau đớn hơn khi một người mẹ mất đi đứa con mình sinh ra. Nhưng điều đau đớn hơn cả là việc, vì thiếu hiểu biết pháp luật và sự chủ quan của bản thân, họ đã góp phần gây ra bi kịch ấy. Trong những lời nói đứt quãng, bị cáo chỉ mong được xin lỗi gia đình nạn nhân và cầu mong sự tha thứ. Nhưng trên hết là khao khát một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm.

Đứng trước tình huống này, quyết định của Hội đồng xét xử sẽ như thế nào? Những tình tiết phạm tội đã rõ ràng, nhưng những tình tiết giảm nhẹ cũng cần được xem xét và cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Trong khoảnh khắc tuyên án, HĐXX không chỉ là người đại diện cho pháp luật và công lý mà cũng cần thấu hiểu nỗi đau con người.

Quyết định của HĐXX sẽ như thế nào trong vụ việc đau lòng này?(Hình ảnh tại phiên tòa giả đinh)

Quyết định của HĐXX sẽ như thế nào trong vụ việc đau lòng này?(Hình ảnh tại phiên tòa giả đinh)

Người mẹ ấy sẽ bị kết án vì hành vi vi phạm của mình. Nhưng phán quyết được Thẩm phán đưa ra làm sao để vừa nghiêm minh vừa mang tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Vì pháp luật không chỉ là cây gậy để trừng phạt mà còn là ngọn đèn soi sáng, giúp những người từng vấp ngã có cơ hội đứng dậy và làm lại từ đầu.

Lúc này, Thẩm phán không chỉ dừng lại ở việc phân định đúng sai hay tuyên phạt, mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một phán quyết khoan hồng có thể là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cứu rỗi cho những cuộc đời tưởng chừng như đã rơi vào ngõ cụt. Đó còn là biểu tượng cho sự cân bằng giữa công lý và lòng nhân ái. Vì ai cũng xứng đáng có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là dung túng hay bỏ qua sai lầm. Nó cần đi kèm với trách nhiệm và sự giám sát chặt chẽ, để đảm bảo rằng cơ hội ấy được trân trọng và phát huy đúng nghĩa. Bởi lẽ, sự nhân từ của pháp luật chỉ thật sự có giá trị khi nó đánh thức được lương tri và ý chí vươn lên trong mỗi con người.

Những phân tích của các chuyên gia trong chương trình “Niềm tin Công lý” sẽ giúp khán giả cái nhìn tổng thể nhất về vụ việc.

Những phân tích của các chuyên gia trong chương trình “Niềm tin Công lý” sẽ giúp khán giả cái nhìn tổng thể nhất về vụ việc.

Từ những tình huống dựng lại diễn biến vụ việc, diễn biến phiên tòa hay những ý kiến, phân tích từ những chuyên gia trong chương trình “Niềm tin Công lý” sẽ giúp khán giả cái nhìn tổng thể nhất về vụ việc. Đằng sau những bản án thì điều còn lại và những giá trị nào được nhắc tới? Câu trả lời sẽ có trong chương trình truyền hình “Niềm tin Công lý” được phát sóng lúc 22 giờ 30 phút, thứ 3 ngày 3/12, trên Kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Tại khoản 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển tham gia giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, quy định tại Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao phương tiện cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô-tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; đối với ô-tô, phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng.

Trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông chết người, thì người cho mượn, giao phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.

Trailer Niềm tin Công lý (Tập 3): Phán quyết xoa dịu nỗi đau

Minh Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/niem-tin-cong-ly-tap-3-phan-quyet-xoa-diu-noi-dau-461635.html
Zalo