Niềm hạnh phúc từ phiên chợ đặc biệt
Hơn 60 tuổi rồi nhưng mỗi lần nhắc đến tết là tim lại rộn ràng, khóe mắt cay cay, sống mũi nồng nồng.
Tôi nhớ nhất những lần theo mẹ đi chợ quê vào ngày 30 tết!
Đã lâu lắm rồi, và năm nay thêm một cái tết nữa tôi không có mẹ gần bên, nhưng những ký ức được cùng mẹ đi chợ tết ở quê nghèo và giờ phút gia đình quây quần bên nồi bánh chưng chờ đón giao thừa vẫn trong tâm trí tôi với bao hình ảnh sống động.
Quê tôi có quan niệm chợ chiều 30 tháng Chạp là chợ tết của nhà nghèo, bởi những gia đình có điều kiện đều đã mua sắm đầy đủ từ trước đó. Và rằng sắm tết là sắm đồ để cúng, để đơm thì phải tươi ngon, muốn vậy phải lo mua sắm từ sớm. Những gia đình nghèo cũng muốn vậy, song quanh năm lo làm lụng vất vả để đến khi xong việc cũng là lúc ngày cùng tháng tận mới đi sắm tết.
Chiều 30, sau khi tích cóp được ít tiền, đã trả được hết hoặc một phần nợ nần trong năm, dân lao động nghèo mới ra chợ, sắm sửa vài thứ cần thiết để đón tết.
Đi chợ tết nhà nghèo cũng có cái hấp dẫn riêng. Đến chợ muộn, đôi khi phải chấp nhận mua với giá cao gấp mấy lần giá trị thật của món hàng, nhưng cũng có khi mua được nhiều thứ tốt với giá rẻ. Nhà tôi thường vậy, khi ngoài kia đã tấp nập, nhộn nhịp cả tuần trước đó, thì chiều 30 tôi mới thấy tết về với nhà mình.
Ngày đó, bố tôi là bộ đội chiến đấu ở miền Nam. Mẹ tôi là hộ sinh vừa làm ở trạm xá xã vừa làm thêm ruộng, buôn bán gạo để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Những ngày giáp tết, người ta mua gạo, mua nếp nhiều hơn nên mẹ cũng có nhiều việc hơn.
Hết ca trực ở trạm xá mẹ lo đi thu nợ, kiểm tra lại ruộng vườn, củi lửa để chuẩn bị cho những ngày tết. Tuy vất vả nhưng vì kiếm thêm được ít tiền nên tôi thấy tinh thần mẹ tốt hơn. Tôi chưa biết sẻ chia cùng mẹ, chỉ biết buồn vì phải đến cuối ngày 30 tết mẹ tôi mới thực sự dành thời gian chuẩn bị tết cho nhà mình...
Tuổi thơ chị em tôi mỗi năm chỉ khi tết đến mới được mua áo quần và dép mới. Khi mua áo quần thì thường chọn bộ rộng hơn để dùng được nhiều năm. Tôi 6 tuổi thì phải chọn mua bộ áo quần vừa cho 7, 8 tuổi để trừ hao khi lớn lên. Mua dép thì chọn loại dép nào bền, lâu đứt và chọn dép nhựa dẻo để lỡ có bị đứt quai thì vẫn có thể hàn lại được...
Nhớ chuyện xưa nên những năm gần đây, ngày 30 tết tôi lại đi chợ nhà nghèo. Không biết bây giờ người ta còn quan niệm chợ ngày 30 tết là chợ nhà nghèo nữa hay không, nhưng tôi thấy người vào ra phiên chợ cuối cùng của năm vẫn tấp nập, rộn ràng, vội vã bán mua. Tôi rất thích đến với phiên chợ ngày cuối năm ấy.
Bởi khi hòa vào dòng người hối hả, tôi sung sướng được sống lại trọn vẹn từng khoảnh khắc khi còn nhỏ, được theo mẹ vượt triền đê đến với phiên chợ nhà nghèo dấu yêu xưa. Giàu nghèo trong tôi giờ không mấy quan trọng nữa, vì vật chất không thể mua được những ký ức vô giá của không khí tết tuổi thơ.
Đang say sưa với dòng tâm trạng đầy lưu luyến ấy thì chợt nghe tiếng vợ gọi:
- Ông ơi!... Ông chở tôi ra chợ mua thêm ít đồ, đặng mình mua thêm 2 chậu bông về chưng trước cửa cho thêm phần khí thế!
Nghe xong lòng tôi càng thêm phấn khởi: Ừ, mình đi thôi kẻo trễ người ta mua hết!
Tôi chở vợ lượn qua từng con phố, lòng lâng lâng niềm vui đến với phiên chợ cuối cùng trong năm. Chợ đã giàu lên, người đã giàu lên. Dẫu vẫn tất bật vội vã nhưng thấy nụ cười người bán, người mua và cả những người không bán, không mua dành cho nhau cũng đủ hạnh phúc lắm rồi.
NGUYỄN BÁ THUYẾT